VTV.vn - Thu nhập tăng, giá cả tiêu dùng tăng, trong khi ngưỡng nộp thuế không thay đổi, vô hình chung khiến người dân phải nộp thuế nhiều hơn.
Có khoảng 50 triệu người lao động tại Việt Nam đang phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Hơn 6 năm qua, trong khi giá cả tiêu dùng có nhiều biến động, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc và giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế vẫn chưa thay đổi, ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người nộp thuế.
Theo quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% sẽ phải sửa mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Từ tháng 7/2013 đến hết năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng tới trên 22%.
Theo các chuyên gia, hiện tại đã đến thời điểm phù hợp để nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Bởi ngoài yếu tố trượt giá, từ năm 2013 đến năm 2018, mức thu nhập bình quân đầu người cũng tăng tới 31%.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI hơn 6 năm qua đã tăng quá 22%, nhiều mặt hàng thiết yếu thậm chí đã tăng gấp đôi, gấp 3. Mức giảm trừ gia cảnh đã được xem là quá lỗi thời, cần sửa đổi.
Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ có tác động nhất định đến nguồn thu của ngân sách. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tác động sẽ không nhiều. Bởi số lượng người nộp thuế ở bậc 1, bậc thấp nhất sẽ giảm nhưng số tiền thuế của nhóm này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số thu từ thuế TNCN.
Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng chính phủ về nội dung điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, tuy nhiên, nội dung cụ thể vẫn chưa được thông tin chi tiết.
Theo quy định, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội, do vậy có thể làm được ngay mà không cần phải đợi sửa Luật. Đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy các cơ quan chức năng đã tiếp thu, lắng nghe ý kiến của người nộp thuế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!