Chuyên mục

Nhập khẩu rẻ nhưng giá thịt lợn vẫn đắt

Trịnh Huyền - 07/07/2020 - 15:18 - Tiêu dùng

VTV.vn - Dù thịt lợn nhập khẩu khá rẻ nhưng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng trên thị trường vẫn khá cao.

Theo khảo sát, giá bán lẻ thịt lợn nhập khẩu ở kênh siêu thị, cửa hàng hiện nay thấp hơn nhiều so với thịt heo tươi trong nước. Tuy nhiên, tại các kênh phân phối chợ lẻ, chênh lệch giữa giá thịt đông lạnh nhập khẩu và thịt tươi sống không đáng kể. 

Cụ thể, tại hệ thống Big C,thịt ba rọi 159.500 đồng/kg, thịt nạc 145.000 đồng/kg. Còn tại một chuỗi kinh doanh thịt lợn nhập khẩu, giá thịt đông lạnh (đã rã đông, tẩm ướp gia vị) tương đương giá thịt tươi sống bán ở chợ, thịt ba rọi 200.000 đồng/kg, sườn non 214.000 đồng/kg. 

Nhập khẩu rẻ nhưng giá thịt lợn vẫn đắt - Ảnh 1.

Tuy đã có chương tình khuyến mãi, giá thịt lợn nhập khẩu vẫn cao.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 70.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Giá nhập khẩu về tới cảng trung bình 2,55 USD/kg, tương đương 60.000 đồng/kg (cập nhật đến cuối tháng 4). 

Tại thời điểm hiện nay, giá thịt lợn nhập khẩu tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giá trong nước. Giá thịt ba rọi, nạc dăm nhập khẩu là 3 - 3,5 USD/kg (không quá 82.000 đồng/kg), giò trước 1,2 - 1,4 USD/kg (không quá 33.000 đồng/kg), các mặt hàng khác như giò sau, tim chỉ từ 0,8 - 1,1 USD/kg (không quá 26.000 đồng/kg).

"Giá thịt nhập khẩu về tới Việt Nam rất thấp nhưng giá bán ra lại theo giá thịt tươi sống vốn đang quá cao. Lẽ ra, doanh nghiệp nhập khẩu nên ấn định giá bán dựa trên giá thành cộng thêm phần lợi nhuận hợp lý giúp người tiêu dùng chuyển đổi thói quen. Nếu thịt nhập bán đúng giá sẽ thu hút người tiêu dùng mua thay thế thịt nội, góp phần cân đối cung - cầu", ông Văn Đức Mười, chuyên gia chăn nuôi, cho hay. 

Nhập khẩu rẻ nhưng giá thịt lợn vẫn đắt - Ảnh 2.

Cần có một mức giá bán rõ ràng cho thịt lợn nhập khẩu để có thể cạnh tranh với thị trong nước.

Về phía doanh nghiệp nhập khẩu, ông Lâm Minh An, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Minh An (TP HCM), cho rằng doanh nghiệp chỉ bán sỉ, các đơn vị bán lẻ tùy theo chiến lược kinh doanh để định giá bán lẻ, doanh nghiệp không thể kiểm soát được. 

"Cùng một mặt hàng, doanh nghiệp bán sỉ giá 80.000 đồng/kg nhưng có hệ thống bán lẻ có giá tới 160.000 đồng/kg, cũng có chỗ bán 120.000 - 140.000 đồng/kg", ông An chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thanh Khuê, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Anh Khải Ký (TP HCM), từ khi đặt hàng đến khi thịt nhập về đến Việt Nam mất khoảng 2 tháng. Giá thị trường lên, doanh nghiệp hưởng lợi mà giá xuống, doanh nghiệp chịu lỗ. 

"Bây giờ, giá thịt nhập khẩu đang tăng, nhà nhập khẩu còn hàng tồn sẽ bán giá mới để hưởng lợi chứ không ai bán giá cũ. Nếu nhà nước muốn bình ổn giá, cần có chính sách đi kèm như hỗ trợ vốn để các doanh nghiệp nhập hàng và bán ra với giá được ấn định đến người tiêu dùng", ông Khuê đề xuất.

Thịt lợn nhập khẩu cần có một mức giá bán rõ ràng, cạnh tranh hơn với thịt trong nước để sớm được người tiêu dùng quan tâm ưa chuộng hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Trịnh Huyền

Cùng chuyên mục

XEM

Nhiều tiềm năng phát triển bền vững ngành nguyên liệu F&B tại Việt Nam

VTV.vn - Xu hướng tiêu dùng mới và tầng lớp trung lưu tăng nhanh đang khiến thị trường Việt Nam trở thành mảnh đất "màu mỡ" cho ngành F&B.

“Tiết kiệm ồn ào” lên ngôi, thời điểm Gen Z bớt… “bốc đồng” khi mua sắm đã tới?

VTV.vn - Theo Wall Street Journal, sang năm 2024, trên các nền tảng xã hội, trào lưu “Loud Budgeting" (tiết kiệm ồn ào) bắt đầu nở rộ.