VTV.vn - Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại một thời gian tương đối lâu trên các bề mặt, trong đó, tiền mặt cũng không phải là ngoại lệ.
Chính vì vậy, nhiều nơi trên thế giới, thói quen thanh toán đã thay đổi do dịch COVID-19. Không chỉ có người dân, chính phủ nhiều quốc gia đã trở nên đặc biệt cẩn trọng với tiền mặt.
Tiền giấy sau lưu thông tại Trung Quốc được thu lại để khử trùng và cách ly
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên cách ly tiền mặt. Tại một ngân hàng lớn ở Thượng Hải, tiền mặt được đi qua một quá trình khử khuẩn gồm 15 phút khử bằng ozone và 1 tiếng đồng hồ trong tia cực tím. Tiền mặt đã đi qua những nơi như xe bus, siêu thị, chợ búa đều được khử trùng tới 2 lần. Còn tiền mặt đến từ bệnh viện sẽ được cách ly riêng.
Với hệ thống thanh toán trực tuyến phát triển, việc cách ly tiền không phải là vấn đề lớn với Trung Quốc
Việc tránh xa tiền mặt với một quốc gia như Trung Quốc có lẽ không phải là thử thách quá lớn, khi mà người tiêu dùng nơi đây đã quá quen thuộc với việc thanh toán trực tuyến qua những ứng dụng điện thoại như WeChat hay Alipay.
Người Mỹ cũng phải làm quen với phương thức thanh toán qua ứng dụng thay vì dùng tiền mặt
Còn tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, bắt đầu từ ngày 21/2, chi nhánh của Fed ở các địa phương đã tiến hành cách ly những tờ tiền USD họ nhận lại từ châu Á trong vòng từ 7 - 10 ngày trước khi được tái luân chuyển trong hệ thống tài chính. Tuy nhiên, Fed hiện chưa có yêu cầu khử trùng bằng tia cực tím hoặc tiêu hủy tiền giấy như cách mà Trung Quốc và Hàn Quốc đã làm.
So với Trung Quốc, Mỹ được đánh giá là khá lười trong việc triển khai thanh toán trực tuyến trên thiết bị di động. Tuy nhiên, dịch bệnh lây lan mạnh tại đây cũng khiến nhiều người phải thay đổi thói quen. Ngân hàng Citigroup mới đây ghi nhận trong tuần kết thúc ngày 3/3, lượng giao dịch sử dụng ứng dụng của các khách hàng đã tăng gần gấp 4 lần so với 1 tháng trước đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!