VTV.vn - Ngoài Alibaba, Amazon cũng đã đến Việt Nam tìm kiếm sự hợp tác với mong muốn đa dạng hóa sản phẩm mang dấu ấn "bản địa".
Theo chuyên gia, hiện 80% các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử là những mặt hàng tiêu dùng nhanh hoặc hàng điện tử. Vì vậy, cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản địa phương trên các nền tảng này lại càng lớn.
Ông Max Zhang, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam cho biết: "Với mật độ dân số đông, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, tôi nhìn thấy thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Với kế hoạch hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ ở các địa phương sẽ tạo lợi thế để chúng tôi tăng tốc trong vòng 5 năm tới".
Bắt đầu từ trái dừa Bến Tre, các đặc sản làng nghề sẽ sớm xuất hiện trên các trang thương mại điện tử, thông qua dự án "Làng nghề đặc sản online". Tham vọng của dự án này không chỉ là đưa các mặt hàng đặc sản của Việt Nam giới thiệu rộng rãi với người tiêu dùng cả nước, mà còn vượt biên giới Việt Nam đến thế giới. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, sẽ có nhiều hơn nữa các dự án liên kết giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương với các sàn thương mại điện tử khác như Shoppee, Sendo...
Trước mắt, với việc phối hợp với tỉnh Bến Tre, Lazada dự kiến doanh thu của các doanh nghiệp địa phương có thể tăng gấp 20 lần trong 1 ngày cao điểm "Ngày của làng dừa". Tuy nhiên, đây chỉ mới là giai đoạn khởi động, về lâu dài sẽ cần việc hỗ trợ hay định hướng cho doanh nghiệp địa phương sản xuất các sản phẩm tiêu chuẩn toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!