Điều gì đã tăng nhiều nhất trong thời kỳ dịch bệnh? Đó là tài khoản ngân hàng của các tỷ phú và danh sách người xin trợ cấp lương thực. Người giàu hiện đang giàu hơn gần 40% so với thời điểm trước khủng hoảng dịch bệnh. Trong khi đó, giá lương thực thì tăng và ngày càng có nhiều người chịu cảnh đói khổ.
"Hai thế giới: Giàu - Nghèo"
"Liệu thức ăn giờ có phải làm từ vàng?" Đây là câu hỏi mỉa mai mà nhà báo Arwa Mahdawi của tờ báo Guardian (Anh) đã đặt ra. Cô đã rất sốc về mức độ đắt đỏ khi đi mua sắm ở siêu thị địa phương tại New York, Mỹ. Giá cả trên thực tế dường như tăng hàng tháng. Giá thực phẩm đã tăng 3,5% so với tháng 1 năm ngoái, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Mặc dù con số nghe có vẻ không quá nghiêm trọng, nhưng đà tăng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Giá thực phẩm leo thang tại New York, Mỹ (Ảnh: The Guardian)
"Mọi người sẽ phải quen với việc trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm". Một chuyên gia phân phối thực phẩm nói với hãng truyền thông Bloomberg như vậy. "Mọi chuyện sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn."
Tất nhiên, Mỹ không phải là nơi duy nhất mà việc làm bụng no trở nên tốn kém hơn. Giá thực phẩm đang tăng chóng mặt trên toàn cầu, khiến hàng triệu người rơi vào cảnh đói khổ. Tại Nigeria, lạm phát thực phẩm đã tăng lên 22,95% trong tháng Ba. Ở Indonesia, đậu phụ hiện đắt hơn 30% so với năm ngoái. Tại Li băng, nơi gần một nửa dân số sống trong cảnh nghèo đói, thực phẩm đắt gấp 5 lần so với năm 2019. Tại Nga, giá thực phẩm tăng 7,7% so với năm ngoái. Ở Anh, đại dịch đã làm gia tăng tình trạng bất ổn an ninh lương thực; hiện nay có tới 10% người dân Anh phải sử dụng ngân hàng thực phẩm từ thiện.
Có nhiều lý do khiến giá thực phẩm tăng trên khắp thế giới, từ khủng hoảng khí hậu và giá hàng hóa tăng đột biến cho đến các vấn đề trong chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, giá lương thực tăng mạnh và nạn đói trên thế giới là một vấn đề có thể giải quyết được.
Nhà lãnh đạo người Ấn Độ Mahatma Gandhi đã từng nói: "Trái đất có đủ lương thực để nuôi dưỡng con người, nhưng không đủ để nuôi dưỡng lòng tham vô độ của con người".
Ở New York (Mỹ), có thừa ít nhất ba ngôi nhà cho mỗi người vô gia cư. Cũng tại Mỹ, thực phẩm bị lãng phí ước tính chiếm từ 30 đến 40% nguồn cung cấp thực phẩm; trong khi năm ngoái, cứ bốn hộ gia đình ở Mỹ thì có gần một hộ lâm vào cảnh thiếu thực phẩm.
Nhà báo Arwa Mahdawi hiện đang sinh sống ở quốc gia giàu có nhất thế giới, nhưng hàng tuần cô vẫn chứng kiến rất nhiều người trong khu phố xếp hàng dài tại các ngân hàng thực phẩm từ thiện. Mỗi tuần, cô cảm nhận dòng người lại dài hơn.
Người dân Mỹ nhận thực phẩm cứu trợ (Ảnh: Wall Street Journal)
Nhưng trong chủ nghĩa tư bản, vận đen của một người lại là cơ hội kinh tế của người khác. Trước đây, giá thực phẩm tăng cao được cho là do các ngân hàng đầu cơ vào các mặt hàng nông sản, mang về khoản lợi nhuận béo bở. Năm 2012, ngân hàng Goldman Sachs kiếm được khoảng 400 triệu đô la Mỹ từ đầu cơ lương thực; cùng lúc đó, hàng chục triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo đói vì giá lương thực tăng cao.
Không rõ trong thời kỳ dịch bệnh, các ngân hàng kiếm được bao nhiêu từ cuộc khủng hoảng thực phẩm hiện nay, nhưng có điều chắc chắn rằng nhờ COVID-19, tài sản của 1% giới siêu giàu đang tăng vọt. Các tỷ phú thu về tổng cộng 1,1 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020; còn giờ họ giàu hơn gần 40% so với trước đại dịch. Trong khi nhiều người trên thế giới còn không biết hôm nay còn có gì để ăn.
Các tỷ phú dường như không biết phải làm gì với tất cả tiền mặt họ nắm giữ trong tay. Tỷ phú Jeff Bezos được cho là đã mua một siêu du thuyền trị giá 500 triệu đô la Mỹ; chiếc thuyền quá khổ đến mức nó cần thêm một chiếc "du thuyền hỗ trợ".
Siêu du thuyền mới "tậu" của tỷ phú Jeff Bezos (Ảnh: The National)
Còn tại Ấn Độ, các tài phiệt và tầng lớp giàu có sẵn sàng trả thêm tiền vé máy bay lên tới hàng triệu rupee để có suất lên chuyến bay đến những nơi trú ẩn an toàn như châu Âu hay Mỹ… rồi để nhận những mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước tất cả những người dân khác ở quê nhà. Trước thực trạng cơ sở hạ tầng y tế yếu kém tại Ấn Độ, nhiều ngôi sao Bollywood cũng được phát hiện đang "di chuyển" đến các nơi như Maldives.
"Hai thế giới vaccine"
Phần lớn nguồn cung vaccine trên thế giới tiếp tục được sử dụng hoặc dự trữ bởi các quốc gia đã đạt được sự ổn định trong công tác kiểm soát dịch, bất chấp COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành tại các nước đang phát triển. Với gần một nửa số cư dân đã được tiêm phòng, thành phố New York (Mỹ) và London (Anh) đang chuẩn bị chào đón khách du lịch vào mùa hè này, trong khi thành phố Cape Town (Nam Phi) vẫn còn phải chờ đợi để tiêm những liều vaccine đầu tiên cho những người ngoài lực lượng y tế.
Vaccine Pfizer-BioNTech phòng COVID-19 phải được bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh: -70 độ C (Ảnh: CNBC)
Vaccine không phải là công cụ duy nhất để kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Tuy nhiên, một phân tích về các chiến dịch tiêm phòng và độ bùng phát các ca bệnh tại 22 thành phố trên thế giới đã cho thấy độ cần thiết của chương trình tiêm vaccine COVID-19.
Hai quốc gia đang bùng nổ số ca mắc COVID-19 là Ấn Độ và Brazil. Kế hoạch tiêm phòng ở hai nước này lại không đủ nhanh để kiểm soát dịch bệnh.
Tại Ấn Độ, các ca COVID-19 đã tăng vọt ở khắp Delhi và Goa, và các đợt bùng phát đang lan nhanh đến nhiều vùng nông thôn hơn. Tiến sĩ S.V Subramanian, giáo sư về sức khỏe dân số tại Đại học Harvard, chia sẻ: "Mỗi sự kiện ở Ấn Độ đều là một sự kiện siêu lây nhiễm".
Ấn Độ bắt đầu tiêm phòng muộn hơn nhiều so với các quốc gia lớn ở phương Tây, và chỉ 10% trong số 1,4 tỷ người dân của nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Tốc độ tiêm phòng đã chậm lại đáng kể trong những tuần gần đây, ngay cả khi nước này tạm dừng xuất khẩu vaccine để dành tiêm cho người dân trong nước. Lượng vaccine được tài trợ từ Mỹ và các quốc gia khác là quá ít để ngăn chặn dịch bệnh hiện nay tại Ấn Độ.
Còn tại Brazil, đợt bùng phát vượt ngoài tầm kiểm soát tại đây đã thổi bùng cho một làn sóng COVID-19 mới trên khắp Mỹ Latinh, vốn là một trong những khu vực đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Vaccine hạn chế, hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém mà các biện pháp giãn cách xã hội tại khu vực này cũng bị lơi lỏng.
Một số quốc gia ở châu Phi có tỷ lệ tiêm phòng thấp nhất trên thế giới. Mặc dù là các nước tham gia chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu (Covax), tuy nhiên họ chỉ được nhận một lượng vaccine hạn chế mà phần lớn chỉ đủ cho nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu.
Trên toàn cầu, cứ 100 người thì có 18 người được tiêm vaccine nhưng con số đó tại châu Phi chỉ là 100 người mới có 1,6 liều vaccine, thấp hơn 30 lần so với ở Bắc Mỹ. Ở Nigeria, Ethiopia, Ai Cập và Cộng hòa Dân chủ Congo, những quốc gia đông dân nhất lục địa và là nơi sinh sống của nửa tỷ người, chỉ mới có hơn 4,3 triệu liều vaccine COVID-19 được phân phối.
Mặc dù số trường hợp mắc COVID-19 tại châu Phi hiện đang thấp, tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo với tốc độ triển khai tiêm phòng chậm như hiện nay, châu lục này đứng trước nguy cơ cao bị bùng phát dịch COVID-19 trở lại.
Ngược lại, ở thành phố New York (Mỹ), London (Anh) và Tel Aviv (Israel), gần một nửa số cư dân đã được tiêm liều vaccine đầu tiên. Tỷ lệ đó, cùng với khả năng miễn dịch tự nhiên có được từ các đợt bùng phát trước đây, đã giúp đẩy lùi các đợt bùng phát dịch xuống mức thấp chưa từng thấy trong một thời gian dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!