Kết quả cuộc trưng cầu ý dân vào hôm 23/6 tại Anh đã làm sáng tỏ lập trường của người dân nước này về tương lai trong EU. Ai cũng hiểu câu trả lời "ra đi" đồng nghĩa với một cuộc chia tay giữa Anh và EU nhưng sự việc lại không đơn giản như vậy. Giống như trong một cuộc hôn nhân ràng buộc, có nhiều thủ tục hai bên phải thực hiện để giải thoát cho nhau. Tuy nhiên, điều phức tạp ở chỗ không ai chắc chắn bao giờ quá trình ly hôn này bắt đầu.
Một ngày sau khi người dân Anh đi bỏ phiếu, lãnh đạo Đảng UKIP Nigel Farage tuyên bố ngày 24/6 là ngày độc lập của nước Anh. Trong khi đó, nhiều người đã quan ngại một cuộc chia tay chóng vánh giữa Anh và EU.
Thực tế không phải như vậy. Về mặt pháp lý, cuộc trưng cầu ý dân hoàn toàn chỉ mang tính chất tham khảo bởi chỉ có Quốc hội Anh, cơ quan có quyền lực cao nhất, mới có thể quyết định vận mệnh của đất nước.
Theo lý thuyết, Quốc hội Anh có thể bỏ qua kết quả của cuộc trưng cầu ý dân, khiến nó trở thành một cuộc thăm dò ý kiến đơn thuần. Việc một số nhà lãnh đạo EU liên tiếp kêu gọi Anh khởi động đàm phán ra đi sớm nhất có thể, thậm chí ngay trong tuần này, là quá sớm bởi kết quả trưng cầu ý dân vẫn chưa được Quốc hội Anh chấp thuận. Tuy nhiên, quan trọng hơn, quyền quyết định bao giờ bắt đầu cuộc đàm phán để Anh rời khỏi EU phụ thuộc hoàn toàn vào nước Anh, chứ không phải Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Anh David Cameron, người tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10 tới, đã tỏ ý nhường trách nhiệm bắt đầu các cuộc đàm phán cho người kế nhiệm. Điều đó có nghĩa các cuộc đàm phán sẽ chỉ bắt đầu sớm nhất vào tháng 10/2016. Tuy nhiên, không ai chắc chắn về thời điểm này bởi nó còn phụ thuộc vào sự sẵn sàng của vị lãnh đạo mới của Anh. Do đó, tất cả còn đang rối bời.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.