BRICS - Hợp tác để tăng cường vị thế

Nhật Linh (Phóng viên VTV thường trú tại Nga)-Thứ sáu, ngày 10/07/2015 20:25 GMT+7

VTV.vn - Lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đã khởi động việc thành lập một ngân hàng phát triển mới và một quỹ tiền tệ chung.

Sau 3 năm đàm phán cuối cùng Lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS cũng đã khởi động việc thực hiện sáng kiến quan trọng nhất của nhóm. Đó là thành lập một ngân hàng phát triển mới và một quỹ tiền tệ chung.

Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, chủ nhà đăng cai hội nghị tại thành phố Ufa, việc khởi động ngân hàng và quỹ chung này từ lâu đã là một ưu tiên mang tính then chốt, và so với các hội nghị trước, điều này cũng thể hiện được tốt hơn tính thống nhất của nhóm.

Tại thành phố Ufa, Các nhà lãnh đạo của 5 nền kinh tế thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đã thảo luận về sự ra đời của Ngân hàng phát triển mới. Ngân hàng do nhóm BRICS sáng lập và được nhìn nhận như một sự lựa chọn khác ngoài Ngân hàng thế giới để đáp ứng các nhu cầu về vay vốn tài chính.

Ngân hàng phát triển mới sẽ có số vốn ban đầu là 50 tỷ USD và sẽ tăng lên 100 tỷ USD trong vài năm tới. Ngân hàng này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm sau, hỗ trợ việc đối phó với những biến động tài chính cũng như cấp vốn vay cho các dự án phát triển hạ tầng.

Tổng thống Nga Putin đánh giá việc ra đời Ngân hàng phát triển mới là một bước đột phá lớn của Nhóm BRICS.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: “Với nguồn dự trữ tiền tệ 100 tỷ USD, chúng tôi sẽ đối phó kịp thời và hiệu quả các biến động trên thị trường tài chính”.

Đối với Trung Quốc, những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn đà sụt giảm chứng khoán đã giúp thị trường Trung Quốc khôi phục trở lại hôm 9/7. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn trên thị trường này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Các quốc gia BRICS đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tự tin khi đối mặt với những khó khăn này”.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff chia sẻ: “Những sáng kiến phát triển của các nước thành viên BRICS sẽ đóng một vai trò quyết định trong việc thiết lập những mối quan hệ quốc tế kiểu mới”.

Nhóm BRICS chiếm 1/5 sản lượng kinh tế thế giới và 40% dân số toàn cầu. Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 7 này của BRICS được giới quan sát quốc tế đặc biệt quan tâm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là bước chuyển lớn, khẳng định vị thế của BRICS trong trật tự thế giới mới đa cực, với tiếng nói có trọng lượng về chính trị và tài chính mà hoàn toàn không dễ bị cô lập.

Các hãng tin lớn trên thế giới hôm nay đã đưa ra nhận định đánh giá cao việc nhóm BRICS thành lập được Ngân hàng phát triển mới và Quỹ dự trữ tiền tệ chung. Giới quan sát cho rằng, việc thành lập hai thể chế tài chính của nhóm các nước mới nổi này đã đánh dấu quá trình chuyển đổi của khối BRICS trở thành một câu lạc bộ kinh tế, chính trị đầy thực chất của các nước phương Đông, đối trọng với trật tự thế giới mà các nước phương Tây đang chi phối. Các quan chức thành viên của các nước thuộc BRICS cho rằng, Ngân hàng phát triển của khối này sẽ không áp đặt các điều kiện đối với các nước vay nợ như cách mà Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới vẫn làm.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước