Việc Nga quyết định không kích vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ Syria có một tác động không nhỏ tới cuộc khủng hoảng Syria. Mặc dù cho rằng chiến dịch không kích của Nga là nhằm vào các lực lượng đối lập của chính quyền Syria, nhưng sự phản ứng từ Mỹ và các quốc gia châu Âu cũng không quá mạnh mẽ. Nó có thể được lý giải là do thái độ của các quốc gia phương Tây đối với chính thể hợp hiến tại Syria đang dần có những thay đổi. Điều này không chỉ thể hiện qua các phát ngôn của các nhà lãnh đạo châu Âu mà nó cũng được phân tích rất rõ ràng qua cách các trang báo của châu lục này.
Báo Le Figaro của Pháp ra ngày hôm 1/10 đưa tin về vụ không kích của Nga ngay trên trang nhất, cùng các phân tích về tác động của sự kiện này tới cách tiếp cận vấn đề Syria của các nước Tây Âu. Bài trang trong cho rằng: “Chính sách của Pháp chống lại cả Nhà nước Hồi giáo cực đoan lẫn Chính phủ của ông Assad đã thất bại và Pháp đang buộc phải linh hoạt hơn”.
Từ mấy tuần nay, quan điểm cứng rắn của Tây Âu dần nhường chỗ cho những từ ngữ mềm mại hơn. Nhiều nước châu Âu hiện nay cho rằng nên bắt tay với Chính phủ Syria để cùng chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, tạo lập hòa bình tại Syria thì mới giảm được dòng người tị nạn đến châu Âu. Báo Der Standard của Áo cuối tuần trước có bài: “Có nên nói chuyện với Assad hay không?” Bài báo này cho rằng: “Có lẽ nên cộng tác vì ông Assad có vai trò trong giải pháp chuyển tiếp tại Syria”.
Câu hỏi còn do dự của tờ báo Áo, đắn đo xem có nên bắt tay với Chính phủ Syria hay không, được báo Đức HNA trả lời luôn rằng: “Nói chuyện với Assad là chấp nhận được”. Bài báo trích lời Thủ tướng Đức, nguyên văn: “Phải đối thoại với nhiều bên, kể cả với ông Assad”. Cũng theo bài báo này, một nghị sĩ Đức nói thêm rằng: Không thể có được giải pháp chính trị cho Syria nếu thiếu nước Nga và tất nhiên là vai trò của ông Assad cũng rất cần thiết.
Như vậy, các vấn đề cấp bách đang buộc các đối thủ phải trở thành đối tác. Báo Người Paris cho rằng, trên bàn cờ Syria, mỗi bên có toan tính riêng, nhưng quan điểm đã gần nhau hơn trước rất nhiều. Mỹ đã sẵn sàng cộng tác với Nga và Iran - hai nước hậu thuẫn cho chế độ của ông Assad. Pháp vẫn chưa chịu liên minh với Syria, nhưng sau vụ Nga không kích Syria thì đã không còn kiên quyết như trước. Nga thúc giục lập liên quân quốc tế, trong đó tất nhiên là có quân đội Syria. Trong khi đó, Tổng thống Bashar al-Assad được đánh giá là “duy nhất có khả năng đẩy lui cái gọi là Nhà nước Hồi giáo”.