Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Đây là một hoá chất có thể gây ung thư và rối loạn nội tiết tố ở người, theo một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới hồi năm ngoái.
8 nước châu Âu đã kêu gọi cấm hoá chất này trong sản xuất nông nghiệp để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng nhưng các tập đoàn hoá chất và nông sản, cùng nông dân châu Âu vẫn muốn tiếp tục được sử dụng Glyphosate.
Nhiều cuộc biểu tình kêu gọi cấm sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa Glyphosate đã diễn ra tại châu Âu. Theo Tổ chức Y tế thế giới, chất này có thể gây ung thư và rối loạn nội tiết tố, có hại cho sức khoẻ con người và tác động xấu tới môi trường.
Glyphosate là thành phần chính của thuốc diệt cỏ do tập đoàn Monsanto của Mỹ đưa ra thị trường từ năm 1974 và nay là thành phần chính trong những loại thuốc diệt cỏ phố biến nhất trên thế giới. 8 quốc gia châu Âu muốn cấm hoàn toàn hoá chất này trong sản xuất nông nghiệp. Các nước khác do dự, một phần do sức ép từ các tập đoàn hoá chất và nông sản, mặt khác do chính nông dân châu Âu không muốn từ bỏ một loại thuốc diệt cỏ vừa rẻ lại vừa hiệu quả.
Ngày 1/6, lẽ ra Ủy ban châu Âu đã phải ra phán quyết cuối cùng nhưng trong cuộc họp báo trưa 1/6, Cao uỷ châu Âu về Sức khoẻ và An toàn thực phẩm chỉ cho biết đang cân nhắc cho phép sử dụng Glyphosate trong 18 tháng nữa.
Cho phép hay không cho phép Glyphosate cũng là vấn đề nóng bỏng trên bàn đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Âu-Mỹ. Tại Mỹ, hoá chất này được sử dụng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp và Mỹ không có ý định cấm. Nếu nông dân châu Âu buộc phải sử dụng thuốc diệt cỏ khác an toàn hơn nhưng đắt tiền hơn càng không thể cạnh tranh nổi với nông sản sẽ từ Mỹ tràn sang, nếu Hiệp định Thương mại tự do Âu-Mỹ được ký kết.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.