PGS.TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. (Ảnh: VTV News)
Paraquat là loại thuốc diệt cỏ rẻ tiền, không ảnh hưởng đến môi trường, nhưng đối với con người lại cực kỳ nguy hiểm, bởi chỉ cần 10 - 15ml paraquat là đủ để gây tử vong 100% nếu không được cấp cứu kịp thời. Điều đáng báo động là hiện nay, đối tượng tự tử bằng loại thuốc này đang ngày một trẻ hóa. Để hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm khi sử dụng loại thuốc này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
PV: Thưa ông, tại sao những người tự tử bằng thuốc Paraquat thường không có biểu hiện gì sau khi uống, mà thường phải sau một ngày mới có biểu hiện?
PGS.TS Phạm Duệ: Đối với những bệnh nhân uống một lượng ít, được phát hiện đưa đến bệnh viện thải độc chất sớm, triệu trứng bệnh sẽ tiến triển rất chậm. Những trường hợp này sẽ hoàn toàn tỉnh táo, khoảng 4 đến 5 ngày sau đó mới bị suy hô hấp. Còn đối với những bệnh nhân nặng hơn, chỉ sau vài tiếng miệng sẽ bị loét miệng, đặc biệt sau 5 hoặc 7 tiếng cơ thể sẽ bị suy hô hấp dẫn tới tử vong.
PV: Vậy đối với những trường hợp đã uống Paraquat, có cơ hội cứu sống không thưa ông?
PGS.TS Phạm Duệ: Đối với những trường hợp uống Paraquat cơ hội được cứu sống rất ít. Theo chúng tôi thống kê, hiện nay tỉ lệ tử vong khi uống loại thuốc này lên tới 70%. Tỉ lệ này ở nước ta không khác gì tỉ lệ của các nước bạn xung quanh.
PV: Trong thời gian gần đây có quá nhiều người uống thuốc Paraquat để tự tử, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Phạm Duệ: Chúng tôi rất là buồn trước những hành động dại dột của nhiều bạn trẻ, và nỗi buồn đó cũng càng nhân lên khi các bác sĩ đã tận tâm cứu chữa nhưng vẫn phải nhìn các bệnh nhân từ từ ra đi.
PV: Tôi thấy thông thường, các bệnh nhân uống thuốc Paraquat sẽ dần dần bị hủy hoại các nội tạng trong cơ thể nhưng lại rất tỉnh táo về mặt trí não, ông có thể giải thích rõ hơn điều này không, thưa ông?
PGS.TS Phạm Duệ: Sau khi bệnh nhân uống thuốc Paraquat, hầu hết các độc chất của thuốc sẽ ngấm hết vào các bộ phận như: Phổi, thận và gây bệnh tại các bộ phận đó, tiếp tục sau đó sẽ đến gan. Có những bệnh nhân khi đến bệnh viện hết sức tỉnh táo, thậm chí sinh hoạt như người bình thường gần khoảng 1 tuần, rồi sau đó đến ngày thứ 7 mới có biểu hiện suy huy hấp, khó thở, oxi trong máu cũng giảm dần.
Chính vì thế trong thời gian đầu nhiều bệnh nhân rất chủ quan, sau khi đến bệnh viện huyện hoặc trạm xá được rửa dạ dày, thấy trong người khỏe khoắn nên đã dứt khoát xin về. Nhưng chỉ vài ba ngày sau khi triệu chứng nặng lên, lại đi tìm tới các bệnh viện lớn để chữa trị. Lúc đó tình trạng bệnh đã không còn cứu chữa được. Tỉ lệ cứu được của chúng tôi thường rất thấp, chỉ cứu được từ khoảng 20% - 30%.
PV: Hiện nay, loại thuốc diệt cỏ này rất có sẵn và vẫn được sử dụng rất phổ biến. Vậy ông có thể đưa ra một đề xuất gì đó có thể phòng tránh được tối đa những trường hợp tìm đến Paraquat để tự tử, nhất lại là những trường hợp rất trẻ tuổi?
PGS.TS Phạm Duệ: Những trường tìm đến Paraquat tự tử thường đến từ nông thôn, nhưng vẫn có những trường hợp không làm ruộng vẫn tìm được tới loại thuốc này để tự tử. Điều này cho thấy thuốc Paraquat rất sẵn có ở trong môi trường sống của chúng ta.
Hiện nay, một số nước trên thế giới đã quản lý loại thuốc này rất chặt, người nào muốn sử dụng họ phải đi học các lớp học huấn luyện chuyên biệt. Sau đó sẽ được cấp chứng chỉ, và khi có chứng chỉ đó các công ty buôn bán thuốc trừ sâu mới được bán thuốc cho họ. Còn đối với những người không có chứng chỉ sử dụng thuốc Paraquat muốn sử dụng phải thuê những người đã có chứng chỉ rồi. Tôi nghĩ nước ta nên có mô hình này.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Mời quí vị theo dõi video phóng sự “Báo động tình trạng tự tử bằng thuốc Paraquat”, và cuộc trò chuyện với PGS.TS Phạm Duệ tại đây.