Siết chặt biên giới tác động tới sự tự do đi lại ở châu Âu - biểu tượng của một khối "Schengen thống nhất". Điều này cũng ảnh hưởng tới sự luân chuyển lao động và hoạt động thương mại giữa các nước trong khối các nước Schengen.
Biên giới các nước Schengen - biểu tượng của một châu Âu thống nhất. Người dân đi lại tự do giữa biên giới các nước mà không chịu sự kiểm soát nào. Nhưng giờ đây, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch đã tăng cường kiểm soát biên giới nhằm hạn chế làn sóng người di cư ồ ạt tràn vào nước.
Nguyên tắc đi lại tự do giữa các nước vẫn được duy trì. Nhưng giờ đây, đi qua biên giới Thụy Điển và Đan Mạch phải mất thêm thời gian xuất trình kiểm tra giấy tờ. Những người lao động nhập cư đi lại hàng ngày giữa các nước là những người bị ảnh hưởng đầu tiên.
Mỗi ngày có khoảng 1,7 triệu người lao động đi qua biên giới các nước EU. Và thời gian chờ đợi này đi kèm với những tổn thất kinh doanh lớn.
Hiện 2/3 công việc kinh doanh tại các nước EU là giữa các thành viên trong khối với nhau. Giờ đây, xu hướng kiểm soát biên giới đang ngày càng lộ rõ. Sự tự do đi lại, vốn là động lực cho sự phát triển giao thương và luân chuyển lao động đang ngày càng bị thắt chặt.
Bài toán giữ Schengen giờ không còn đơn thuần giữ một châu Âu nhất thể về mặt chính trị nữa, đó còn là cứu châu Âu khỏi những rủi ro kinh tế vô cùng to lớn.
Trong một phát biểu gần đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố rằng sự ổn định của đồng tiền chung châu Âu có liên quan mật thiết đến Hiệp ước Schengen, bởi không thể có chung một đồng tiền duy nhất lại không có khả năng qua lại biên giới các nước một cách tương đối tự do. Ngoài sức ép kinh tế về tiếp nhận người tị nạn, các nước châu Âu giờ phải đối mặt với một sức ép khác: sức ép của các rủi ro kinh tế nếu Schengen sụp đổ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.