Nhìn lại chặng đường 10 tháng đầy gian nan do đại dịch COVID-19, khó khăn ập đến với thế giới và khu vực ASEAN, ASEAN vẫn đặt đúng các mục tiêu và các ưu tiên then chốt. Điều này cũng cho thấy khả năng khởi xướng, điều hành và dẫn dắt của Việt Nam với vai trò là Chủ tịch của ASEAN trong năm nay.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp của Ban Thư ký quốc gia về ASEAN 2020 đã trao đổi với phóng viên Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) một số ý kiến về thành công và hướng đi của ASEAN trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 và các chiến lược phục hồi kinh tế sau dịch.
ASEAN triển khai ứng phó toàn diện với đại dịch COVID-19
Cuộc phỏng vấn giữa phóng viên Kim Huệ (trái) và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga (phải)
Pv Kim Huệ (VTV Digital): Việt Nam đã hoàn tất hơn một nửa chặng đường là chủ nhà của năm Chủ tịch ASEAN năm 2020. Đại sứ đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam và các nước ASEAN trong việc thực hiện các cam kết về hợp tác khu vực và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp xảy ra năm nay, trong đó có đại dịch COVID-19 bùng phát?
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Cố vấn cao cấp của Ban Thư ký quốc gia về ASEAN 2020: Năm 2020 là một năm với nhiều biến động, một thời điểm mà khó lường nhất trong quá trình chuyển đổi của cục diện quốc tế. Từ đại dịch COVID-19, với những hệ lụy chưa từng có về kinh tế, xã hội, chính trị, cho đến quan hệ quốc tế, và cạnh tranh giữa các nước.
Đông Nam Á có vị trí ngay sát với nơi phát sinh ra nguồn gốc đại dịch, thế nên chúng ta là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất. Chính trong bối cảnh khó khăn như vậy, ASEAN đã phát huy đúng tinh thần mà Việt Nam đã đề xuất cho năm 2020. Đó là "Gắn kết và chủ động thích ứng."
ASEAN đã tập trung và làm tốt hai nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, ứng phó với đại dịch COVID-19, và phục hồi sau dịch. Thứ hai là duy trì đà hợp tác, liên kết và xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đây là một điểm mà không nhiều tổ chức quốc tế, hay các cơ chế hợp tác khu vực có thể làm được.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga tham dự Phiên đặc biệt CC ASEAN 36 về tăng quyền năng của phụ nữ. T6/2020
Việt Nam đã đi trúng vào quan tâm chung để tạo ra được sự gắn kết giữa các nước thành viên, và gắn kết giữa ASEAN với các đối tác. Đó là đưa chuyện ứng phó với đại dịch COVID-19 trở thành trọng tâm hợp tác của ASEAN trong năm nay, và hợp tác với các đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga hay Australia. Sự thống nhất này sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế trong tình hình khó khăn, trong khi mỗi nước đều có một nỗi lo và cách ứng phó khác nhau. Một trong những sáng kiến nổi bật là ý tưởng thành lập Quỹ của ASEAN về ứng phó đại dịch COVID-19, với mức cam kết lên tới 5 triệu USD.
Ngoài ra, chúng ta cũng quyết định thành lập và đưa vào hoạt động kho dự trữ về nguyên vật liệu y tế, để phòng chống các dịch bệnh trong khu vực. Với sự ủng hộ và hỗ trợ các đối tác hiện nay, trong thời gian tới, chúng ta sẽ hướng tới thành lập Trung tâm phòng, chống dịch và ứng phó với cả tình trạng y tế khẩn cấp cộng đồng ở trong khu vực.
Bên cạnh việc ứng phó dịch bệnh, ASEAN rất chú trọng đến hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tại các vùng miền, để giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Nhìn lại tổng thể, các nước ASEAN mặc dù gặp nhiều khó khăn trong dịch bệnh, nhưng mà tất cả các thành viên đều khẳng định quyết tâm cùng nhau hợp tác, quyết tâm thực hiện các mục tiêu và không thực hiện chậm. Đến nay theo đánh giá, rà soát của Ban thư ký, thì đến hơn 90% dòng hoạt động của các kế hoạch tổng thể về nhiệm vụ của ASEAN đã và đang được thực hiện theo đúng lộ trình. Cùng với đó ASEAN tiếp tục đưa ra các biện pháp mới để thúc đẩy các biện pháp xây dựng cộng đồng. Trong đó rất nhiều sáng kiến của Việt Nam được đưa ra, và nhận được một sự đồng thuận chung và trở thành sáng kiến chung.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng, làm gián đoạn dòng chảy thương mại, đầu tư, du lịch… tại khu vực ASEAN, đặt ra nhiều thách thức cho việc phát triển kinh tế của từng thành viên, cũng như làm chậm tiến độ triển khai nhiều dự án hợp tác nội khối. Vậy Việt Nam và các nước ASEAN có đề xuất, sáng kiến gì hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại COVID-19 và lưu thông dòng chảy thương mại, du lịch?
Ngay trong tuyên bố đầu tiên, ASEAN khẳng định cần bảo đảm các nền kinh tế phải mở cửa. ASEAN hiểu rất rõ ý nghĩa của vấn đề mở cửa một cách hợp lý giữa các nước ASEAN, trong tình hình đại dịch phức tạp. thứ nhất là nhằm lưu chuyển hàng hóa thiết yếu, để chống dịch tại các nước. Sau đó là vấn đề thương mại, du lịch trong điều kiện cho phép.
Các biện pháp của ASEAN đưa ra rất thiết thực, tập trung toàn bộ nỗ lực thực hiện đúng theo danh sách 13 sáng kiến ưu tiên về kinh tế, của năm 2020 mà Việt Nam cùng các thành viên xây dựng, trong đó tập trung rất nhiều về thúc đẩy năng lượng, công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp, an ninh lương thực… Đến nay, 5 sáng kiến đã được thực hiện, trong đó có 2 sáng kiến của Việt Nam đề xuất đã hoàn thành xong.
ASEAN nhấn mạnh ứng dụng công nghệ số và các vấn đề về kinh tế số là một động lực, để duy trì các hoạt động kinh tế và giao lưu thương mại, kinh tế trong tình hình đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, ASEAN chuẩn bị triển khai cho kế hoạch phục hồi kinh tế. Đây đã trở thành một mục tiêu rất lớn trong hoạt động kinh tế của ASEAN. Đến nay Hội nghị cấp cao ASEAN 36 đã chỉ đạo phải xây dựng kế hoạch phục hồi tổng thể của ASEAN, và đến Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế tháng 8 vừa qua đã thông qua một kiến nghị về các kế hoạch này. Dự kiến sẽ hoàn tất cả các bộ, ngành liên quan, các trụ cột hợp tác liên quan, các nhóm công tác liên quan sẽ bàn tiếp để hoàn tất trình lên Hội nghị cấp cao 37, thông qua vào tháng 11 này.
Cuối cùng, ASEAN nhấn mạnh mục tiêu duy trì và đa dạng hóa nguồn cung và thị trường. Do vậy, ASEAN tiếp tục thúc đẩy và nâng tầm quan hệ với các đối tác kinh tế và thương mại của ASEAN ở bên ngoài. Trong đó, mục tiêu hàng đầu là ký kết Hiệp định RCEP trong năm nay. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với ASEAN trong phục hồi, ứng phó đại dịch, và về vai trò của cộng đồng trong dài hạn. Đồng thời, các hiệp định về FTA với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đang được thúc đẩy…Tất cả những sự kiện này đủ để minh chứng cho việc ASEAN là một tổ chức khu vực mà những đối tác rất tiềm năng muốn có cơ hội hợp tác. Trong tình hình khó khăn như thế này, không phải khu vực nào cũng làm được những điều này.
RCEP- Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong thiết lập một cơ chế hợp tác ở tầm Châu Á - Thái Bình Dương
Pv Kim Huệ (VTV Digital): Đại sứ có nhắc đến việc đàm phán Hiệp định RCEP là một trong những ưu tiên hợp tác kinh tế của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Vậy Việt Nam có những cách tiếp cận nào đối với Hiệp định này trong bối cảnh vẫn còn một số vấn đề tồn đọng?
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Cố vấn cao cấp của Ban Thư ký quốc gia về ASEAN 2020: Thực ra, đàm phán RCEP được khởi động từ năm 2012 và đã vài lần bị lỡ mục tiêu ký kết hiệp định này. Hơn bao giờ hết, năm nay, các nước ASEAN có lẽ đều nhận thấy sự quan trọng của Hiệp định này, trong bối cảnh thế giới có nhiều chuyển biến. Nếu ký được hiệp định này, RCEP sẽ góp phần tạo một không gian phát triển mới cho các nước thành viên ASEAN để có thể phục hồi.
Kể cả khi Ấn Độ chưa tham gia được ngay, RCEP, với chỉ 15 thành viên, vẫn là một khuôn khổ liên kết kinh tế rất quan trọng, và lớn nhất thế giới với 2,3 tỷ dân, tương đương hơn 30 % dân số thế giới, và gần 30 % GDP toàn cầu.
Ngoài ra, RCEP là cơ chế liên kết đầu tiên, mà ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, làm nòng cốt ở tầm châu Á - Thái Bình Dương. Khi đó, RCEP sẽ khẳng định vị thế của ASEAN khác hẳn.
Do vậy, các nước ASEAN, và các thành viên của đàm phán RCEP đều rất quyết tâm để đẩy ký kết năm nay. Việc ký kết RCEP sẽ là một cú hích, là một động lực mới cho hợp tác đa phương nói chung và cho liên kết kinh tế và tự do hóa thương mại trên toàn cầu và ở Châu Á -Thái Bình Dương.
Đây là lần thứ hai Việt Nam tham gia đóng vai trò nòng cốt, thiết lập một cơ chế hợp tác ở tầm Châu Á - Thái Bình Dương. Giống như năm 2017, khi chúng ta là chủ nhà của APEC và đóng góp vào việc hình thành Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thì lần này chúng ta thấy rõ một bài học: muốn giữ được mục tiêu ký kết hiệp định RCEP vào tháng 11 năm nay với các đối tác, thì vai trò của chủ nhà Việt Nam là rất lớn. Việt Nam phải đủ bản lĩnh, phải đủ kiên trì để giữ được cam kết và quyết tâm chính trị của các nước là sẽ ký. Bởi vì từ nay đến đến tháng 11 thì không còn nhiều thời gian, nhưng những đột biến trong kinh tế, chính trị, xã hội các nước thì luôn luôn có thể bùng phát bất cứ lúc nào, đặc biệt trong tình hình rất nhiều thách thức hiện nay. Ngoài ra, Việt Nam phải thuyết phục và vận động các nước phải linh hoạt, và thiện chí để xử lý, nếu có những khác biệt nhỏ xảy ra, thì mới có thể bảo đảm được mục tiêu.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga tham dự Đối thoại của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về Phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững. T10/2020
Tôi rất ấn tượng với một bài báo số ra mới đây trên trang Valdai Club. Bài báo nói rằng: trong cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung gay gắt hiện nay, chiến lược của ASEAN có thể được ví với thuật ngữ "ngoại giao cheo cheo", dựa theo cách một loài động vật có nguồn gốc từ Đông Nam Á đương đầu với các loài lớn hơn hay đạt được những lợi ích cần thiết nhờ vận dụng trí thông minh và kỹ năng tự nhiên. Bà nhận định như thế nào về sự khéo léo và linh hoạt của các nền kinh tế ASEAN khi vừa tránh bị lôi kéo vào xung đột Mỹ- Trung, vừa tận dụng được thời cơ khỏa lấp chỗ trống mậu dịch mà thương chiến hai bên gây ra?
"Sự mềm mại và linh hoạt" là đặc tính riêng của ASEAN. Chính nhờ sự linh hoạt và mềm mại này đã giúp ASEAN vượt qua rất nhiều sóng gió trong hơn 50 năm để tồn tại, và phát triển như ngày hôm nay, trở thành vai trò nòng cốt của trung tâm khu vực, và có một mạng lưới liên kết với tất cả các trung tâm kinh tế chính trị hàng đầu trên thế giới.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga tại một buổi làm việc
Trong tình hình phức tạp hiện nay, không chỉ Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh, mà chúng ta còn đang chứng kiến sự cạnh tranh giữa hầu hết các trung tâm chính trị và kinh tế, công nghệ trên thế giới. Những điều này đang đặt ra cho tất cả các nước vừa và nhỏ trên thế giới, trong đó có ASEAN rất nhiều vấn đề phải ứng xử. Với những bài học trong lịch sử, chúng ta thấy rất rõ, ASEAN không thể chọn bên, mà ASEAN phải mềm dẻo, và linh hoạt trên cơ sở là phải giữ vững sự tự quyền, và bản lĩnh của ASEAN.
Trong tình hình hiện nay có mấy vấn đề đặt ra với ASEAN, để ứng xử trước sự cạnh tranh giữa các nước. Đầu tiên, ASEAN không thể chỉ có vai trò ở khu vực Đông Nam Á mà phải nâng tầm vai trò của mình lên tầm Châu Á- Thái Bình Dương, lên tầm toàn cầu. Với những sáng kiến mới, tầm nhìn về Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, hay việc ký Hiệp định RCEP, có thể giúp ASEAN ứng phó hiệu quả, và tranh thủ được các cơ hội một cách hiệu quả nhất.
Thứ hai, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa của ASEAN phải được đẩy mạnh nữa. Một thành công của ASEAN là quan hệ rất tốt với nhiều đối tác, thiết lập rất nhiều mối quan hệ đối tác với tất cả các cấp, từ chiến lược cho đến đối tác hợp tác phát triển… Điều này tạo ra nhiều sự đan xen lợi ích, và trong dài hạn sẽ bảo đảm môi trường ổn định và lợi ích của ASEAN không bị tách rời, hoặc là bị đối chọi với cả các nước khác.
Để có được năng lực điều hòa quan hệ gắn kết với các nước, đóng vai trò trong các vấn đề lớn, thì ASEAN phải là một cộng đồng mạnh và tự cường. ASEAN phải nắm bắt được xu thế của chuyển đổi số, phải nắm bắt được xu thế liên kết sâu rộng, phải nắm bắt được các phát triển bền vững và bao trùm.
Mặc dù "ngoại giao cheo cheo" là một hình ảnh rất sinh động, và rất hay, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ để phản ánh đặc thù của ngoại giao ASEAN. Vì bên cạnh sự linh hoạt, đặc thù của ngoại giao ASEAN phải có cả bản lĩnh, và sự sáng tạo!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!