Trong thông báo, quản lý của Facebook ở Australia và New Zealand - ông William Easton cho biết: "Dự luật về cơ bản hiểu sai mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi với các đơn vị xuất bản, vốn sử dụng Facebook để chia sẻ những nội dung tin tức. Điều này buộc chúng tôi đối mặt với lựa chọn khó khăn.
Một là cố gắng tuân thủ luật và bỏ qua thực tế về mối quan hệ vừa đề cập, hoặc hai là dừng cho phép chia sẻ các nội dung thông tin trên những dịch vụ của chúng tôi ở Australia. Dù không muốn nhưng chúng tôi đang lựa chọn phương án thứ hai".
Thoả thuận về dự luật Đàm phán truyền thông
Năm ngoái, dự luật có tên là Luật Đàm phán truyền thông được Chính phủ Australia đưa ra đã làm dấy lên cuộc tranh cãi gay gắt giữa Google, Facebook và các hãng truyền thông báo chí Australia. Dự luật này yêu cầu hai gã khổng lồ công nghệ phải thương lượng trả phí cho các hãng báo chí để sử dụng nội dung tin tức trên các nền tảng của mình, kể cả trong phần kết quả tìm kiếm.
Dự luật có tên là Luật Đàm phán truyền thông được Chính phủ Australia đưa ra yêu cầu hai gã khổng lồ là Facebook và Google phải trả phí cho các cơ quan báo chí
Nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận, Canberra sẽ chỉ định cơ quan quyết định mức phí, khi đó Google và Facebook sẽ không còn quyền lựa chọn. Bộ quy tắc thương lượng truyền thông đã được Hạ viện Australia thông qua vào ngày 16/2 và nhiều khả năng sẽ được ban hành thành luật vào tuần tới. Phản ứng trước động thái, Mỹ kêu gọi chính phủ Australia hủy bỏ dự luật trên.
Trong thông báo mới nhất, các trợ lý đại diện thương mại Mỹ Daniel Bahar và Karl Ehlers đã kêu gọi Australia nghiên cứu thêm về thị trường công nghệ số và phát triển các quy tắc tự nguyện. Thông báo nhấn mạnh, Mỹ lo ngại những nỗ lực cạnh tranh vị thế giữa các công ty công nghệ được luật pháp Australia thông qua, có thể gây thiệt hại cho 2 tập đoàn của Mỹ, dẫn đến những kết quả tiêu cực.
Facebook, vốn từ lâu đã bị chỉ trích vì đồng ý phê duyệt các thông tin sai lệch tràn lan trên các nền tảng của mình, giờ đây đã thấy mình ở một vị trí đặc biệt là chặn các phương tiện truyền thông, kể cả những phương tiện đã cung cấp thông tin sai lệch.
Người phát ngôn của Nine, một mạng truyền hình Australia cho biết: “Không ai được hưởng lợi từ quyết định này vì Facebook giờ đây sẽ là một nền tảng để thông tin sai lệch lan truyền nhanh chóng mà không có sự cân bằng”.
"Hành động này một lần nữa chứng minh vị thế độc quyền và hành vi bất hợp lý của họ."
Facebook lên tiếng "kêu oan"
Facebook đã đáp trả, cho rằng dự luật này là sự hiểu lầm một cách căn bản về mối quan hệ giữa nền tảng này với các cơ quan báo chí, đơn vị chia sẻ tin tức.
Facebook cũng tái khẳng định những lợi ích mà công ty thu được từ việc các cơ quan báo chí chia sẻ tin tức là rất ít, chỉ chiếm khoảng 4% so với những gì mà mọi người nhìn thấy trên Newsfeed.
Facebook sẽ không yêu cầu Australia nhân nhượng, công ty này muốn giữ vững lập trường của mình (Nguồn: Bloomberg)
Facebook cũng khẳng định, chỉ riêng trong năm 2020 đã tạo ra khoảng 5,1 tỷ kết nối miễn phí có giá trị ước tính lên tới 407 triệu AUD tới các cơ quan báo chí. Facebook cho rằng, việc trao đổi giữa nền tảng này với các cơ quan báo chí đang thiên về hướng có lợi nhiều hơn cho các cơ quan báo chí.
Ai là người bị thiệt?
Ngày 18/2, nhiều dịch vụ khẩn cấp ở Australia thông báo bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Facebook về chia sẻ nội dung tin tức, trong đó có các trang có nội dung về đại dịch COVID-19, cháy rừng hay lốc xoáy.
Ngoài ra, các dịch vụ về cứu hỏa, y tế và địa chất ở Australia cũng gặp khó khăn trên các trang của những dịch vụ này ở nền tảng Facebook.
Trong thông báo, Bộ trưởng Môi trường Sussan Ley đã tweet rằng trang của Cục Địa chất "gặp ảnh hưởng bởi quy định dừng hạn chế chia sẻ tin tức" của Facebook, hối thúc mọi người truy cập trang chủ.
Những lo ngại trong tương lai
Đến nay, dự luật Đàm phán truyền thông vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ quốc hội Australia.
Chính phủ nước này cho biết các công ty truyền thông địa phương, bao gồm tập đoàn tin tức News Corp của ông trùm Rupert Murdoch đã phải công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự và đình bản hơn 100 tờ báo in tại nhiều khu vực và địa phương ở Australia. Nhiều năm qua, ông Murdoch đã liên tục đấu tranh cho vấn đề buộc Facebook và Google phải trả tiền cho tin tức báo chí xuất hiện trên nền tảng của họ.
Động thái mới nhất của Facebook trái ngược với Google - tập đoàn trước đó thông báo đã dàn xếp được các thỏa thuận với những tập đoàn truyền thông của Australia, trong đó có News Corp.
Cách đây vài ngày, tập đoàn truyền hình Seven West là cái tên đầu tiên ký hợp đồng tham gia nền tảng tin tức News Showcase của Google, tiếp đó là đối thủ Nine Entertainment. Thỏa thuận của Seven West sẽ được chốt lại trong khoảng 30 ngày nữa, dự kiến trị giá hơn 30 triệu USD một năm.
News Showcase mới được ra mắt ở Australia khoảng 10 ngày trước. Google cho biết các đối tác đầu tiên của quốc gia này trên News Showcase, chủ yếu là các cơ quan báo chí quy mô nhỏ, đã đạt hơn 1 triệu lượt xem nội dung trong 8 ngày đầu hoạt động.
News Showcase cũng chính là mô hình trả tiền mua tin mà Google đã triển khai ở Anh, Đức, Brazil, Argentina, Canada, Nhật Bản và mới nhất là Pháp. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ dự kiến đầu tư khoảng 1 tỷ USD cho mô hình này trên toàn cầu.
Google đã đạt được các thỏa thuận với các tập đoàn truyền thông Australia, trong khi Facebook thì không
So với mức giá trị vốn hóa 1,4 nghìn tỷ USD của Alphabet, công ty mẹ Google, quy mô nền kinh tế Australia nhỏ hơn nhiều. Tuy vậy, thị trường nhỏ bé và xa xôi này lại rất quan trọng đối với Google vì đây có thể là quốc gia tiên phong trong việc đưa ra các luật lệ áp chế những gã khổng lồ Internet.
Ngay cả Giám đốc điều hành Alphabet Sundar Pichai và Mark Zuckerberg từ Facebook đã liên lạc với Thủ tướng Australia Scott Morrison và Bộ trưởng các ban ngành để đàm phán về vấn đề trên.
Cuộc chiến tưởng không cân sức nhưng lại để lại hậu quả nghiêm trọng cho hai bên với sự cứng rắn trong các quyết định của mình. Tuy nhiên, những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất lại là những cư dân xứ sở chuột túi.
Việc thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội thật khó mà tưởng tượng được. Liệu sẽ có thêm những động thái mới nào không trong tình hình vô cùng căng thẳng giữa các gã khổng lồ công nghệ?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!