Cuộc họp của lãnh đạo các nước G7. (Ảnh: AFP)
Hội nghị thượng đỉnh của nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới hôm nay họp ngày cuối cùng tại Đức với đề tài thảo luận chính trong sáng nay là các biện pháp phòng chống biến đổi khí hậu và cuộc chiến chống khủng bố. Cuộc họp sáng nay có khách mời đặc biệt là Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon.
Tại Hội nghị, Đức và Pháp quyết tâm thúc đẩy một thoả thuận chung ở quy mô toàn thế giới, nhằm giảm khí thải công nghiệp, đồng thời hạn chế sử dụng than đá dầu mỏ. Canada và Nhật Bản lo ngại các quy định quá ngặt nghèo về môi trường sẽ tác động xấu tới sản xuất công nghiệp. Mỹ không hoàn toàn ủng hộ tham vọng của châu Âu nhưng cũng không nhất trí với Canada và Nhật Bản. Nếu 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới thỏa thuận được về mức độ giảm ô nhiễm thì sẽ là đòn bẩy tích cực cho các cuộc đàm phán ở quy mô toàn cầu, trước Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sẽ diễn ra cuối năm nay tại Pháp.
Phiên họp về cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông và châu Phi có sự tham gia của Tổng thống Nigeria và Thủ tướng Iraq. Liên minh do Mỹ đứng đầu chống lại Nhà nước Hồi giáo từ hơn 1 năm nay chưa đạt được mục tiêu ban đầu, nay muốn dựa vào bộ binh Iraq để chiếm lại các vùng đất đã rơi vào tay lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Trong bữa ăn đêm 7/6 tại lâu đài Elmau, Thủ tướng Nhật Bản đã lưu ý lãnh đạo các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada về tình hình Biển Đông từ khi Trung Quốc chủ ý thay đổi hiện trạng các bãi đá ngầm. Ông Shinzo Abe nhấn mạnh, các hoạt động của Trung Quốc đang tạo ra những căng thẳng trên biển Hoa Đông tiếp giáp Nhật Bản và trên Biển Đông tiếp giáp nhiều nước Đông Nam Á. Thủ tướng Nhật Bản đề nghị lãnh đạo G7 không nên xem nhẹ hiểm họa đối với kinh tế và hoà bình thế giới từ những sự kiện mới diễn ra trên vùng biển này.
Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ kết thúc trong vài giờ nữa với một tuyên bố chung.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.