3 vụ tấn công trên xảy ra gần như liên tiếp trong hơn 1 tuần qua khiến cả châu Âu hoang mang. Và người ta đã nhắc nhiều đến bóng dáng của những "con sói đơn độc".
Sở dĩ dùng thuật ngữ "con sói đơn độc" , bởi cá nhân các thủ phạm đã không hành động theo lệnh hoặc chỉ dẫn của bất cứ ai, bất cứ 1 tổ chức nào.
Điều này khiến cho chúng miễn dịch trước sự giám sát của các cơ quan tình báo, đồng thời dễ thực hiện âm mưu tấn công hơn.
Có lẽ thách thức lớn nhất đối với các cơ quan tình báo đó là để xác định những "con sói đơn độc".
Các sự việc gần đây đã cho thấy rằng lực lượng cảnh sát, tình báo và thậm chí cả sự xuất hiện của quân đội là không đủ để chặn đứng tất cả các cuộc tấn công khủng bố. Những kẻ bị cực đoan hóa, hoạt động độc lập, không có liên hệ rõ ràng với bất kỳ tổ chức khủng bố nào đang khiến việc phát hiện và ngăn chặn chúng là nhiệm vụ khó khăn hơn bao giờ hết. Điều này đòi hỏi không chỉ trách nhiệm của các cơ quan an ninh, mà còn cả sự cảnh giác và hợp tác của chính mỗi người dân.
Có một sự trùng hợp là ngày 22/7 cũng là dịp 5 năm xảy ra vụ thảm sát tại Na Uy do tên Anders Breivik, một nhân vật cực đoan, mang nặng tư tưởng cực hữu thực hiện, làm 77 người thiệt mạng. Việc xuất hiện ngày càng nhiều vụ cuồng sát, do những kẻ bất mãn với xã hội gây ra đã cho thấy sự cần thiết phải có những biện pháp sâu rộng hơn là việc tăng cường an ninh thông thường.
Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải, Trưởng Khoa Chính trị quốc tế, Học viện Ngoại giao sẽ đưa ra những nhận định, phân tích về vụ xả súng tại Munich.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!