Quân đội Azerbaijan. (Ảnh: Thông tấn xã Azerbaijan)
Giao tranh dữ dội đã bùng phát ngày 2/4 tại Nagorno-Karabakh, vùng đất tranh chấp giữa hai nước Cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô trước đây là Ar menia và Azerbaijan gây thương vong lớn cho cả 2 phía. Đây là cuộc xung đột tồi tệ nhất ở khu vực này kể từ khi lệnh ngừng bắn được ký kết năm 1994, mà nguyên nhân vẫn là vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài nhiều thập kỷ.
Sau hơn 2 thập kỷ im ắng, Nagorno-Karabakh, dải đất nằm lọt giữa Armenia và Azerbaijan, được coi là thùng thuốc súng ở khu vực Trung Á đã phát nổ. Hai bên cáo buộc lẫn nhau là đã vi phạm lệnh ngừng bắn dọc đường giới tuyến tại khu vực tranh chấp, khai mào xung đột.
Theo Chính phủ Armenia, Azerbaijan đã mở một cuộc tấn công quy mô với xe tăng, pháo và máy bay trực thăng tại Nagorno-Karabakh.
Phía Azerbaijan tuyên bố họ phản công để đáp lại hành động của Armenia. Bộ Quốc phòng nước này xác nhận, 12 binh sĩ của họ đã thiệt mạng và một máy bay trực thăng bị bắn hạ khi xảy ra giao tranh với Armenia tại khu vực Nagorno-Karabakh.
Các nguồn tin cho hay dân thường của cả hai phía đều chịu thương vong, trong đó có một bé trai 12 tuổi người Armenia thiệt mạng và 2 trẻ em khác bị thương.
Nagorno-Karabakh là vùng lãnh thổ thuộc phía Tây Nam Azerbaijan từ thời Liên bang Xô viết, tuy nhiên dân số chủ yếu là tộc người Armenia. Vùng đồi núi này vốn là nguồn cơn của một cuộc tranh chấp chủ quyền bất phân thắng bại giữa hai sắc tộc Azerbaijan và Armenia.
Sau nhiều năm đấu tranh, Nagorno Karabark trở thành một khu vực tự trị nằm trong lãnh thổ Azerbaijan. Nhưng không vì thế mà các mâu thuẫn chấm dứt.
Với sự tan rã của Liên bang Xô viết, Nagorno-Karabakh đã đơn phương tuyên bố độc lập vào năm 1991, biến xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện kéo dài khiến 30 nghìn người thiệt mạng và hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Cuộc chiến cũng khiến Azerbaijan mất quyền kiểm soát Nagorno Karabakh. Chiến tranh đã chấm dứt với lệnh ngừng bắn đạt được năm 1994.
Nhiều cuộc đàm phán hòa bình cũng đã được tổ chức sau đó với sự trung gian do Nga, Pháp và Mỹ đứng đầu, tuy nhiên xung đột vẫn xảy ra do cả hai bên đều coi vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.