Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. (Ảnh: Reuters)
1. Mỹ có Bộ trưởng Quốc phòng mới
Ông Ashton Carter hôm 17/2 đã tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đồng thời cam kết sẽ cùng giới tướng lĩnh đưa ra những lời tham vấn thẳng thắn về các vấn đề chiến tranh và hòa bình cho Tổng thống Barack Obama.
Trong bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter cho biết, ưu tiên lớn nhất hiện giờ của ông là giải quyết nguồn ngân quỹ dành cho các chương trình quốc phòng, bên cạnh việc xử lý các vấn đề quốc tế nổi cộm trong thời gian qua.
Ông Ashton Carter là Bộ trưởng Quốc phòng thứ 4 dưới thời Tổng thống Obama và được bổ nhiệm để thay thế cho người tiền nhiệm Chuck Hagel đã từ chức vào tháng 11/2014.
2. Hy Lạp bầu được Tổng thống mới
Với tỷ lệ 233/300 phiếu thuận, Quốc hội của Hy Lạp ngày 18/2 đã bầu chính trị gia theo đường lối bảo thủ và ủng hộ châu Âu Pavlopoulos làm Tổng thống mới của nước này.
Đây được coi là bước đi nhằm củng cố Chính phủ cánh tả mới trong cuộc đàm phán quan trọng với Liên minh châu Âu (EU) về chương trình cứu trợ.
Ông Pavlopoulos năm nay 64 tuổi, từng là Bộ trưởng Nội vụ và chuyên gia về công luật. Ông là ứng cử viên do Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đề cử. Theo giới phân tích, việc ông Pavlopoulos đảm nhiệm chức vụ Tổng thống với nhiệm kỳ 5 năm sẽ thu hút được sự ủng hộ hết sức cần thiết từ các chính đảng trong bối cảnh Hy Lạp đang nỗ lực thương lượng về một thỏa thuận cho vay mới với các chủ nợ quốc tế.
3. Hàn Quốc có Thủ tướng mới
Ngày 16/2, Quốc hội Hàn Quốc đã phê chuẩn việc đề cử ông Lee Wan-koo làm Thủ tướng nước này.
Động thái trên diễn ra sau 8 tháng kể từ nỗ lực đầu tiên của Tổng thống Park Geun-hye tìm người thay thế Thủ tướng Chung Hon-won, người đệ đơn xin từ chức năm 2014 để nhận trách nhiệm về vụ chìm phà làm hơn 300 người thiệt mạng và mất tích.
Như vậy, chính trị gia kỳ cựu Lee Wan-koo, 64 tuổi, sẽ trở thành vị Thủ tướng thứ hai trong chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye.
Giới phân tích cho rằng, việc ông Lee được phê chuẩn làm Thủ tướng của Hàn Quốc sẽ giúp giảm nhẹ gánh nặng chính trị của Tổng thống Park Geun-hye sau khi bà liên tiếp thất bại trong việc đề cử một nhân vật giữ vị trí then chốt trong Chính phủ.
Tuy nhiên, với số phiếu thông qua sít sao, bà Park có thể gặp khó khăn trong việc giành sự ủng hộ của Quốc hội Hàn Quốc đối với các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước.
4. Các bên tham chiến ở Ukraine ký văn bản về kiểm soát rút vũ khí
Đài Tiếng nói nước Nga/TASS cho hay, ngày 20/2, các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) tự xưng cùng chính quyền Kiev đã ký văn bản do Trung tâm Kiểm soát và Điều phối chung (JCCC) soạn thảo về việc lên kế hoạch và tổ chức giám sát hoạt động rút vũ khí của các bên.
Đại diện của Nga tại JCCC, Thượng tướng Alexandr Lentsov cho biết đã ghi nhận “sự quan tâm của tất cả các bên gồm lực lượng vũ trang Ukraine và dân quân DPR, LPR, đứng đầu là lãnh đạo của các nước cộng hòa này trong việc thu hồi nhanh chóng vũ khí hạng nặng và bảo đảm an ninh ở những khu vực này”.
Ông Lentsov chỉ ra rằng, việc kiểm soát thu hồi vũ khí trên lãnh thổ DPR và LPR được các nhóm chung phối hợp thực hiện.
5. Hy Lạp và EU nhất trí kéo dài chương trình cứu trợ thêm 4 tháng
Các Bộ trưởng Tài chính các nước khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nhất trí gia hạn thêm 4 tháng đối với khoản cứu trợ tài chính dành cho Hy Lạp sau khi thời hạn của gói cứu trợ sẽ hết vào cuối tháng này.
Theo thỏa thuận đạt được giữa Hy Lạp và Eurozone trong cuộc họp này, các Bộ trưởng Tài chính của các nước Eurozone đã nhất trí với đề nghị gia hạn cứu trợ tài chính đối với Hy Lạp với điều kiện vào ngày 23/2 tới Hy Lạp phải đưa ra được các cam kết cơ bản về cải cách.
Một nguồn tin từ Chính phủ Hy Lạp cho biết, Athens sẵn sàng tiến hành các cải cách có thể chấp nhận được. Nguồn tin khẳng định "Chính phủ mới của Hy Lạp sẽ tiến hành những cải cách trong giai đoạn sắp tới, trong đó ưu tiên cho những cải cách phù hợp với tình hình hiện nay như giải quyết nạn trốn thuế, tham nhũng, tái cấu trúc hành chính công và giải quyết được vấn đề khủng hoảng nhân đạo".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.