Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Cuba Raul Castro bắt tay nhau trong cuộc hội đàm tại Panama. (Ảnh: AFP)
1. Lãnh đạo Mỹ - Cuba lần đầu tiên hội đàm sau nhiều thập kỷ
Vào đêm 11/4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc hội đàm lịch sử với Chủ tịch Cuba Raul Castro bên lề Hội nghị Thượng đỉnh các nước châu Mỹ tại Panama.
Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Mỹ Obama cho rằng, đã đến lúc để cả Mỹ và Cuba gác lại quá khứ sau lưng nhằm phát triển một mối quan hệ tốt đẹp hơn trong tương lai, mặc dù giữa hai bên vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt.
Cùng với đó, ông Obama khẳng định Washington sẽ coi trọng việc đối thoại trực tiếp với Chính phủ và người dân Cuba, nhưng đồng thời sẽ tiếp tục hối thúc Cuba trong vấn đề nhân quyền.
Về phần mình, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã nhấn mạnh, La Habana sẵn sàng tiến hành các bước để tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Tuy nhiên, ông Castro cũng cho rằng quá trình bình thường hóa quan hệ song phương sẽ đòi hỏi các bên phải “hết sức kiên nhẫn".
2. Các bên xung đột ở Syria kết thúc vòng đàm phán mới tại Moscow
Ngày 10/4, đại diện Chính phủ Syria và phe đối lập đã kết thúc cuộc đàm phán kéo dài 4 ngày tại thủ đô Moscow (Nga), nhằm tìm lối thoát cho cuộc nội chiến kéo dài 4 năm.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc 4 ngày đàm phán, Đặc phái viên của Nga Vitaly Naumkin cho biết, mặc dù đại diện của Chính phủ Syria và phe đối lập đã đồng ý trên nguyên tắc về một giải pháp chính trị, song các bên vẫn không thể đạt được thỏa thuận về các biện pháp xây dựng lòng tin.
"Thực tế, chúng tôi đã không thể đi đến một thỏa thuận, đặc biệt là các biện pháp xây dựng lòng tin. Cuộc đàm phán 4 ngày qua không đủ thời gian để làm việc này. Đây là một vấn đề rất khó khăn, đòi đòi các bên phải tiếp tục các cuộc đối thoại” - ông Vitaly Naumkin nói.
Cũng như cuộc đàm phán diễn ra tháng 1 vừa qua ở Moscow, lãnh đạo nhóm đối lập lớn nhất Syria là Liên minh Dân tộc (SNC) đã không tham dự vòng đàm phán lần này.
Nga đã khởi động sứ mệnh trung gian hòa giải trong cuộc xung đột tại Syria từ háng 9 năm ngoái. Tháng 1 vừa qua, Nga đã đứng ra tổ chức vòng đàm phán thứ nhất giữa đại diện Chính phủ Syria và các nhóm đối lập. Kết thúc vòng đàm phán này, các bên đã nhất trí duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, giải quyết xung đột một cách hòa bình và bằng biện pháp chính trị, bác bỏ mọi sự can thiệp của nước ngoài.
3. Mỹ gửi lính dù tới huấn luyện cho quân đội Ukraine
Ngày 10/4, những chiếc xe tải chở xe quân sự Mỹ đã vượt biên giới Ukraine - Ba Lan để phục vụ cho chương trình đào tạo của quân đội Mỹ cho quân đội Ukraine.
Chương trình đào tạo dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 4 này. Theo đó, 290 lính dù của Mỹ sẽ tiến hành đào tạo cho lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukrain teại căn cứ Lavoriv, sát biên giới Ba Lan.
Trong khuôn khổ chương trình nói trên, quân đội Mỹ và quân đội Ukraine cũng sẽ tổ chức nhiều cuộc tập trận chung. Động thái trên được cho là sẽ gây phản ứng mạnh từ phía Nga.
4. Nigeria đạt được thỏa thuận ngừng bắn
Chính phủ Nigeria và nhóm Hồi giáo vũ trang Boko Haram đạt được một thỏa thuận liên quan đến kế hoạch ngừng bắn và trả tự do cho 200 nữ sinh bị bắt cóc hồi tháng 4/2014.
Thỏa thuận này là kết quả của các cuộc đàm phán kéo dài 3 ngày qua giữa đại diện của hai bên. Boko Haram đã trở thành mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Nigeria kể từ năm 2009 khi lực lượng này nổi dậy đòi thành lập một nhà nước Hồi giáo ở miền Bắc nước này. Các cuộc tấn công bạo lực liên quan tới Boko Haram đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người và khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Ngoài các vụ tấn công đẫm máu, nhóm này còn thực hiện các vụ bắt cóc, điển hình là vụ bắt cóc hơn 200 nữ sinh tại làng Chibok thuộc bang Borno, tháng 4/2014 khiến cộng đồng quốc tế hết sức phẫn nộ.
5. Hàn Quốc, Nhật Bản gia tăng căng thẳng vì quần đảo tranh chấp
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 6/4 đã ra tuyên bố phản đối việc Nhật Bản tăng cường tuyên bố chủ quyền với quần đảo tranh chấp mà Seoul gọi là Dokdo và Tokyo gọi là Takeshima, bằng cách đưa quần đảo này vào sách giáo khoa như là một phần lãnh thổ của Nhật Bản.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng động thái của Nhật Bản cho thấy Tokyo thiếu thiện chí trong việc đóng một vai trò có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Bộ trên cũng kêu gọi Nhật Bản chân thành nỗ lực cải thiện quan hệ song phương trên cơ sở tinh thần của những lời xin lỗi do các chính quyền trước đây đưa ra, đặc biệt trong năm nay, khi hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ song phương.
Ngoài ra, để phản đối động thái trên của Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã mở một trang web nhằm tuyên truyền về quần đảo này bằng 11 thứ tiếng.
Trước đó, Nhật Bản đã phát hành sách giáo khoa, trong đó có nhắc đến quần đảo Takeshima mà Hàn Quốc gọi là Dokdo như một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Nhật Bản.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.