Chiếc máy bay MH370 xấu số. (Ảnh: AP)
1. Báo cáo sơ bộ điều tra vụ MH370 chính thức được công bố
Chiều 8/3, Malaysia đã công bố báo cáo điều tra sơ bộ thứ hai về vụ máy bay MH370.
Trái ngược với báo cáo điều tra sơ bộ số 1 dày hơn 500 trang được công bố vào năm ngoái với rất nhiều số liệu, báo cáo số 2 chỉ vỏn vẹn có 3 trang, trong đó có một số điểm đáng chú ý:
+ Báo cáo khẳng định, báo cáo cuối cùng về cuộc điều tra sẽ được công bố khi xác máy bay MH370 được tìm thấy hoặc khi kết thúc cuộc tìm kiếm (tùy theo tình huống nào đến trước). Báo cáo điều tra cuối cùng sẽ được công bố vào vào tháng 6 năm nay, khi cuộc tìm kiếm kết thúc.
+ Báo cáo khẳng định vẫn chưa tìm ra xác máy bay ngoài một mảnh vỡ được tìm thấy ở đảo Reunion của Pháp và được xác nhận là từ MH370.
+ Báo cáo cho biết, việc phân tích dữ liệu liên quan đến chuyến bay để cho ra kết luận cuối cùng cũng như các khuyến nghị về an toàn hàng không vẫn đang được tiến hành.
Báo cáo sơ bộ thứ hai được đưa ra đúng vào dịp kỷ niệm 2 năm MH370 mất tích khi trên hành trình từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh với 239 hành khách và phi hành đoàn.
2. Triều Tiên tiếp tục bắn tên lửa ra biển
Hàn Quốc cho biết, ngày 10/3, Triều Tiên vừa bắn 2 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển từ khu vực Kangwon, tỉnh Bắc Hwanghae.
Hai quả tên lửa đã rơi xuống nước và Hàn Quốc không cho biết thêm chi tiết.
Vụ việc này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Những cuộc tập trận luôn gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và nước này gần đây đã cảnh báo sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công phủ đầu.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ sự phản đối hành động bắn 2 quả tên lửa ra biển của Triều Tiên. Phát biểu sau cuộc họp khẩn với các quan chức cấp cao tại Văn phòng Nội các, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã yêu cầu các cơ quan liên quan nhanh chóng thu thập và phân tích thông tin liên quan đến việc Triều Tiên bắn hai quả tên lửa. Ông Abe cho biết, chính quyền Tokyo chắc chắn sẽ phản đối các hành động này của Bình Nhưỡng và tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Hàn Quốc và các bên liên quan trong việc thu thập thông tin tình báo và đánh giá tình hình.
Trước đó, ngày 9/3, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố, các nhà khoa học của nước này đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa, giúp tăng cường khả năng tấn công hạt nhân của Bình Nhưỡng.
3. Phớt lờ lệnh trừng phạt, Iran tiếp tục phóng thử hai tên lửa đạn đạo
sáng 9/3, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đã tiếp tục phóng thử hai tên lửa đạn đạo trong khuôn khổ một cuộc tập trận quân sự.
Hai tên lửa được phóng đi từ khu vực phía Bắc Iran và nhằm vào những mục tiêu cách đó 1.400 km về phía Đông Nam.
Trước đó, trong ngày 8/3, Iran tuyên bố nước này đã tiến hành một số vụ phóng thử tên lửa đạn đạo.
Phía Mỹ nhận định các vụ thử tên lửa này của Iran không vi phạm thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc đã ký với Tehran. Tuy nhiên, hành động này có thể vi phạm nghị quyết của LHQ về việc cấm các vụ thử tên lửa. Chính phủ Mỹ vẫn đang xem xét các vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran để ra quyết định có cần thiết phải đưa vấn đề Iran thử tên lửa ra Hội đồng Bảo an LHQ hay không.
4. Nhật Bản tưởng niệm nạn nhân thảm họa động đất, sóng thần
Ngày 11/3, Nhật Bản đã tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa kép động đất, sóng thần 5 năm trước.
Buổi lễ có sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Nhật hoàng Akihito.
Lễ tưởng niệm đã dành 1 phút mặc niệm, tưởng nhớ hơn 15.000 nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất, sóng thần 5 năm về trước. Đến nay vẫn còn 3.000 người khác vẫn mất tích. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Nhật hoàng Akihito cũng đặt hoa tại một đài tưởng niệm ở Thủ đô Tokyo.
Trong cuộc trong cuộc họp báo diễn ra tối 10/3, Thủ tướng Shinzo Abe thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm để phục hồi 3 tỉnh Đông Bắc Nhật Bản - nơi chịu thảm họa kép ngày 11/3/2011. Đặc biệt, khu vực quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima vẫn là nơi nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Không chỉ có công tác khắc phục hậu quả rò rỉ phóng xạ nhà máy Fukushima, hiện nay quá trình tái thiết khu vực Đông Bắc cũng đang bị chậm trễ so với tiến độ do thiếu nguồn tài chính và nhân lực cần thiết. Ông Takagi Suyoshi, Bộ trưởng Tái thiết của Nhật Bản, cam kết sẽ hoàn tất công việc tái thiết trong vòng 5 năm tới.
5. Rò rỉ 22.000 hồ sơ thông tin liên quan các phần tử IS
Hãng tin Sky News của Anh vừa nhận được hàng chục nghìn hồ sơ chứa tên, địa chỉ, số điện thoại và thông tin liên lạc gia đình của các phần tử cực đoan gia nhập IS.
Theo thông báo của Sky News, cựu thành viên trong quân đội Syria “vỡ mộng” sau khi gia nhập IS - Abu Hamed, đã trao cho một nhà báo của hãng này tại Thổ Nhĩ Kỳ các hồ sơ nói trên sau khi đánh cắp chúng từ tay của người đứng đầu nhóm cảnh sát an ninh nội địa Syria.
Những hồ sơ này chứa các mẫu văn bản với 23 câu hỏi mà những đối tượng xin gia nhập IS phải trả lời đầy đủ trước khi được tuyển mộ, trong đó có câu hỏi về nhóm máu, họ của người mẹ trước khi kết hôn, mức độ hiểu biết về Luật Hồi giáo.
Trong những hồ sơ này còn có thông tin về các tay súng cực đoan đã được xác minh danh tính, cùng thông tin của các công dân đến từ 51 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, còn có một số hồ sơ chưa xác minh đầy đủ về các phần tử cực đoan tại Mỹ, Canada, khu vực Bắc Âu cũng như khu vực Bắc Phi và Trung Đông.
Chia sẻ trên trang điện tử của mình, Sky News khẳng định hãng đã thông báo vụ việc này tới nhà chức trách Anh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.