Poster “Vote Remain” (Hãy bỏ phiếu để Anh ở lại EU) tại trung tâm thủ đô London.
(Ảnh: AFP)
Người Anh đang ở trước “giờ G” của cuộc trưng cầu dân ý được xem là quan trọng nhất trong lịch sử - ra đi hay ở lại châu Âu? Đến lúc này, nhiều người đã bỏ phiếu xong, nhưng cũng có người chưa thể quyết định xem nên đứng về bên nào. Các chính trị gia đã đưa ra những lời kêu gọi cuối cùng, còn các tổ chức quốc tế cũng đã nêu lên những ý kiến bày tỏ quan ngại.
Điểm chung giữa những người lao động tại London được hỏi là họ không thể nhớ hoặc không quan tâm, nước Anh ra đi thì thiệt hại kinh tế cụ thể là bao nhiêu? Đầu tư, xuất khẩu giảm thế nào? Không người dân nào quyết định dựa trên số liệu GDP.
Bà Marielle Mcatee, Tiểu thương chợ Green, London cho biết: “Tôi đã bỏ phiếu Anh rời khỏi EU vài tuần trước. 40 năm trước khi Anh gia nhập liên minh, tôi đã nghĩ là điều này tốt cho đất nước, nhưng đến giờ, tôi thấy EU không mang lại cho chúng tôi nhiều điều, mà tình hình lao động, người nhập cư lại phức tạp quá”.
Ông James Johnstond, nhân viên văn phòng, London bày tỏ: “Tôi đã chọn rời đi và gửi phiếu qua đường bưu điện. Tôi không hài lòng với cách vận hành của Liên minh châu Âu hiện nay. Cũng có thể số người chọn ở lại châu Âu sẽ nhiều hơn vì nghĩ châu Âu sẽ tiếp tục các cơ chế hợp tác như hiện nay. Tuy nhiên, tôi tin là nếu ở lại, họ sẽ đặt ra nhiều yêu cầu ràng buộc sâu hơn. Tôi muốn nước Anh nên độc lập hơn và tự quyết các vấn đề của mình”.
Những người lao động có thể thiên về phe nghi ngờ châu Âu, nhưng mọi thăm dò ý kiến trong suốt thời gian qua vẫn đang cho kết quả khá tương đương giữa hai bên. Những nỗ lực vận động cuối cùng vẫn diễn ra với hy vọng, hơn 10% số cử tri chưa quyết định, sẽ là mấu chốt cho thắng lợi cuối cùng.
Cuộc trưng cầu dân ý lịch sử của nước Anh, thu hút số người đăng ký đi bỏ phiếu cao kỷ lục từ trước tới nay, xấp xỉ 46,5 triệu người, cao hơn cả tổng tuyển cử năm 2015.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.