Phe đảo chính phong tỏa cầu Bosphorus ở Istanbul. (Ảnh: Reuters)
1. Tấn công khủng bố tại Pháp
Ngày 14/7, một xe tải kích thước lớn đã lao vào đám đông đang xem pháo hoa trong ngày Quốc khánh Pháp tại thành phố Nice khiến 84 người thiệt mạng, trong đó có trẻ em. Vụ tấn công một lần nữa khiến không chỉ người dân Pháp mà cả người dân thế giới phải bàng hoàng vì tính chất và mức độ nghiêm trọng của nó. Theo các nhân chứng, cảnh tượng tại hiện trường “giống như ngày tận thế” và những gì xảy ra đã gây ra “sự hoảng loạn tột cùng”.
Lái xe được xác định là tên Mohamed Lahouaiej Bouhlel, 31 tuổi, người Pháp gốc Tunisia, đã bị cảnh sát bắn chết. Cảnh sát đã bắt giữ một nghi phạm khác. Tổng thống Pháp tuyên bố đây là một vụ khủng bố.
Sau các nỗ lực điều tra, cảnh sát Pháp ngày 15/7 bước đầu xác định được danh tính thủ phạm vụ tấn công bằng xe tải tại thành phố Nice.
Mohamed Lahouaiej-Bouhlel, một công dân Pháp gốc Tunisia, 31 tuổi. Danh tính của tên này trùng với tên trên giấy tờ tùy thân có trên chiếc xe tải mà y đã sử dụng trong vụ tấn công đẫm máu tại Nice.
Các nhân viên điều tra và các chuyên gia pháp ý đã tiến hành lục soát căn hộ của Lahouaiej-Bouhlel vào khoảng 9h30 (giờ địa phương) với sự hỗ trợ của một đơn vị cảnh sát có vũ trang và đã thu thập được nhiều túi đựng tài liệu của thủ phạm.
Trong một diễn biến liên quan, tổ chức khủng bố IS nhận trách nhiệm đứng đằng sau vụ tấn công bằng xe tải tại thành phố Nice.
2. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đảo chính
Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua những giờ phút chấn động, đổ máu và kinh hoàng. Tối 15/7, giờ địa phương, một cuộc đảo chính đã diễn ra nhưng đã nhanh chóng bị dập tắt. Đã có 90 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Bắt đầu từ việc một nhóm thuộc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố lật đổ chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan, hàng loạt các động thái quân sự đã liên tục diễn ra. Lực lượng đảo chính đã sử dụng máy bay chiến đấu tấn công tòa nhà quốc hội, xe tăng của lực lượng đảo chính cũng tràn ra khắp đường phố. Tưởng chừng như Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xảy ra một cuộc nội chiến nhưng vụ đảo chính đã nhanh chóng bị dập tắt do sự đoàn kết của người dân.
Sau nhiều giờ đồng hồ chìm trong bất ổn do đảo chính, tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ đã dần trở lại ổn định. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, mới được bổ nhiệm ngay sau khi đảo chính kết thúc, tướng Umit Dundar, tuyên bố Chính phủ đã đập tan vụ đảo chính.
Để trấn an người dân, Tổng thống Erdogan đã có bài phát biểu thứ hai trong ngày, tuyên bố Chính phủ đang nắm quyền kiểm soát, đồng thời lên án mạnh mẽ vụ đảo chính, coi đây là một hành động phản quốc.
Cuộc đảo chính nhanh chóng thất bại một phần là do người dân đã đồng lòng ngăn cản các hành động quân sự của lực lượng đảo chính. Họ đổ ra đường theo lời kêu gọi của Tổng thống Erdogan, họ chặn xe quân sự, đối đầu với xe tăng. Sự can trường của họ đã đem lại kết quả.
Tuy nhiên, cái giá phải trả là 90 người dân thường thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương ở cả 2 thành phố Ankara và Istanbul. Gần 3.000 binh lính tham gia lực lượng đảo chính đã đầu hàng hoặc bị bắt giữ. Cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc, tuy nhiên người đứng sau âm mưu này hiện vẫn chưa rõ.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc đảo chính khác và kêu gọi người dân tiếp tục ở lại trên đường phố.
Tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây rất khó đoán định, đất nước cầu nối giữa châu Âu và Châu Á này đang ở trong một thời khắc khó khăn, bất định.
3. Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách 'đường 9 đoạn' của Trung Quốc
Chiều 12/7, Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết cuối cùng vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn”.
Theo phán quyết của PCA, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Phán quyết khẳng định Trung Quốc đã gây ra những nguy hại lâu dài đối với hệ sinh thái dải san hô ở quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn". PCA cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough trên Biển Đông.
Bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò". Trung Quốc cũng liên tục bồi lấp, xây dựng hàng loạt cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Ngày 22/1/2013, Philippines đã đệ đơn lên PCA kiện yêu sách của Trung Quốc về quyền chủ quyền, quyền tài phán và "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" trái với UNCLOS 1982 vượt quá những giới hạn mà Trung Quốc có thể đòi hỏi theo Công ước.
4. Nước Anh có nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử
hủ lĩnh Đảng Bảo thủ cầm quyền Anh – bà Theresa May hôm 13/7 đã chính thức được Nữ hoàng Elizabeth II chỉ định làm Thủ tướng tiếp theo của nước Anh.
Một trong những nhiệm vụ trước mắt của bà May là tiến hành đàm phán về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Trong phát biểu đầu tiên sau khi chính thức được bổ nhiệm, tân Thủ tướng Anh Theresa May cho biết, bà sẽ tiếp tục điều hành Chính phủ theo tinh thần của người tiền nhiệm David Cameron, phục vụ lợi ích của đa số người dân Anh.
Bà May cũng cam kết giữ cho nước Anh có một vai trò tích cực mới và quan trọng bên ngoài EU. Tân Thủ tướng Anh từng tuyên bố nước Anh sẽ không thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để ở lại "mái nhà chung châu Âu" và càng không nỗ lực để tái gia nhập liên minh này.
5. Nhật Bản: Liên minh cầm quyền giành chiến thắng vang dội
Ủy ban bầu cử Nhật Bản đã kết thúc công việc kiểm phiếu cuộc bầu cử Thượng viện. Theo đó, liên minh cầm quyền đã giành chiến thắng vang dội.
Trong cuộc bầu cử năm nay, người dân Nhật Bản đi bầu lại 121 ghế trong tổng số 242 ghế Thượng viện. Kết quả kiểm phiếu cho thấy, đảng Dân chủ tự do (LDP) giành được 53 ghế, nâng tổng số ghế tại Thượng viện của đảng này lên đến con số 118. Khi kết hợp với đảng Công Minh, liên minh cầm quyền giành được tổng cộng 142 ghế, chiếm đa số quá bán tại Thượng viện.
Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, kết quả này cho thấy sự ủng hộ của dân chúng với chính sách Abenomics và Quốc hội Nhật Bản cần đáp ứng kì vọng của người dân. Chiến thắng của LDP là điều được dự báo từ trước. Kết quả bầu cử lần này đảm bảo LDP sẽ tiếp tục chi phối Thượng viện trong vòng 3 năm nữa.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!