Thảm họa chìm phà Sewol: Những trái tim không ngừng rỉ máu

Thùy Hương (Theo NYTimes)-Thứ năm, ngày 16/04/2015 10:34 GMT+7

Các học sinh ghé thăm nơi tưởng niệm nạn nhân trong vụ chìm phà Sewol

VTV.vn - Một năm sau thảm họa chìm phà Sewol, nỗi đau của những bậc cha mẹ mất con trong chuyến phà định mệnh vẫn chưa thể nguôi ngoai.

Ngày này một năm trước, trường trung học Danwon mất đi gần 3/4 số học sinh lớp 11 trong thảm họa chìm phà Sewol. Giờ đây, các lớp học trở nên vắng lặng, căng-tin trường không còn những tiếng cười đùa giòn giã, những chiếc bàn học nơi các học sinh xấu số từng ngồi nay được phủ đầy hoa, những món đồ ăn vặt và vô số tờ giấy nhớ.

“Sae Hyeon à, bố đây. Bố sẽ không bao giờ quên con” – bố của một nữ sinh ôm chặt tấm ảnh của con gái mình và đọc những dòng tin nhắn đặt trên bàn em – “Bố xin lỗi vì đã không có mặt ở đó để cứu con”.

Lớp học tràn ngập hoa, bánh kẹo và những mẩu giấy nhớ tại trường trung học Danwon

Lớp học tràn ngập hoa, bánh kẹo và những mẩu giấy nhớ tại trường trung học Danwon

Trong tiếng Hàn, Ansan – nơi gần 300 con người xấu số của trường trung học Danwon sinh sống – có nghĩa là “Ngọn núi bình yên”, thế nhưng, một năm sau thảm họa chìm phà Sewol, chữ “bình yên” đã không còn tồn tại trong tâm trí nhiều người. Thành phố 760.000 dân này dường như vẫn còn chịu nỗi đau quá lớn khi chứng kiến cái chết của 250 học sinh và 11 giáo viên. Những nhà hàng sầm uất một thời đã mất đi 1/3 doanh thu, nhiều người ngần ngại tới các khu vui chơi bởi hàng xóm của họ vẫn còn đang khóc than cho những người thân yểu mệnh.

Trong số những bậc cha mẹ mất con trong thảm họa chìm phà Sewol, có những người đang sống trong nỗi buồn da diết, cũng có những người đang sống với nỗi giận dữ không thể xoa dịu. Giờ đây, cha mẹ của các học sinh xấu số vẫn không thể quên đi những khoảnh khắc cuối cùng của con cái mình được ghi lại bằng camera điện thoại với đôi tay run rẩy. Các học sinh la hét, khóc lóc, và hoảng loạn khi biết rằng việc tuân thủ hướng dẫn của các nhân viên trên phà đã vĩnh viễn cướp đi tia hy vọng sống cuối cùng của chúng. Chính vì không thể quên được nỗi ám ảnh này, một số trường trung học ở Hàn Quốc thậm chí đã hủy tất cả các chuyến đi dã ngoại bởi họ e sợ rằng thảm họa này có thể bị tái diễn.

Thân nhân của nạn nhân trong vụ chìm phà Sewol lặng mình trước những ký ức bàng hoàng về ngày này một năm trước

Thân nhân của nạn nhân trong vụ chìm phà Sewol lặng mình trước những ký ức bàng hoàng về ngày này một năm trước

Eom Ji Young vĩnh viễn mất đi con gái mình trong thảm họa chìm phà Sewol. Cô Eom đã nghỉ việc và dành thời gian chăm sóc được con còn lại – một bé trai 11 tuổi – bởi cô luôn cảm thấy hối hận vì không thể làm điều này với cô con gái thân yêu của mình. Một năm sau tai nạn thảm khốc này, cuộc sống của cô đã không còn bình yên.

Con trai cô Eom vẫn nhớ đến chị gái – người chăm sóc cậu bé mỗi khi mẹ đi làm. Về đến nhà sau những giờ học mệt mỏi ở trường, cậu bé thường tự khóa mình trong căn phòng ngủ. Chồng Eom Ji Young là một trong số nhiều người bố thường xuyên ghé thăm khu vực tưởng niệm – nơi có di ảnh của con gái ông cùng hàng trăm nạn nhân xấu số khác. Anh đến đây cùng những người bố khác để làm những điều họ không muốn vợ và các con mình nhìn thấy, đó là khóc. Họ uống rượu và gục vào bờ vai của những người khác với khuôn mặt đẫm nước mắt.

Mới đây, cô Eom Ji Young đã trở lại với công việc quản lý cho một cửa hàng sửa chữa đồ gia dụng. Tuy nhiên, đôi lúc, cô không thể hoàn thành lộ trình tới chỗ làm của mình bởi khi cảm xúc òa đến, cô sẽ tạt xe vào lề đường và khóc trong tĩnh lặng.

Động lực khiến cô sống tiếp những tháng ngày đau khổ này chính là việc biểu tình yêu cầu Chính phủ phải chịu trách nhiệm vì đã không thể giải cứu thành công gần 300 sinh mạng có mặt trên chiếc phà Sewol ngày 16/4/2014. Theo cô Eom, cảnh sát biển đã không nỗ lực giải cứu các học sinh bị mắc nạn trong thân phà, gây nên cái chết thương tâm cho con gái cô. Cha mẹ của các học sinh bị thiệt mạng cũng yêu cầu cảnh sát mở rộng cuộc điều tra để tìm hiểu về sự liên quan của Chính phủ trong thảm họa thương tâm này. Tất cả những gì họ đang làm chỉ là để đòi lại công lý cho những đứa trẻ mà họ tin là đã bị phản bội bởi những lời hứa hão huyền của người lớn.

Thân nhân của các nạn nhân ghé thăm khu vực nơi chiếc phà Sewol gặp nạn ở ngoài khơi đảo Jindo

Thân nhân của các nạn nhân ghé thăm khu vực nơi chiếc phà Sewol gặp nạn ở ngoài khơi đảo Jindo

“Chấp nhận và chữa lành vết thương là hai cùm từ không tồn tại trong từ điển của chúng tôi” – cô Eom nói sau cái chết của con gái mình – “Một số người bạn của tôi thức dậy giữa đêm với nỗi hoảng sợ tột độ. Họ chạy thẳng tới trường trung học Danwon với mong ước được gặp con cái mình”.

Giờ đây, trường trung học Danwon đã phần nào hồi phục sau nỗi mất mát quá lớn vào ngày 16/4/2014, học sinh đã la hét và cười đùa khắp dọc hành lang. Thế nhưng, cái chết của 250 học sinh khối 11 đã để lại trường Danwon và cả thành phố Ansan một khoảng trống không thể lấp đầy.

Ở ngoài phố, nhiều tòa nhà cao tầng đã treo những biểu ngữ mang màu vàng tươi với dòng chữ khiến nhiều người rơi lệ: “Những nụ hoa không bao giờ nở rộ, chúng tôi sẽ không quên các bạn”.

Cách đó vài dãy nhà, một quán café Internet nơi các học sinh thường ghé qua cũng có cách tưởng niệm cho riêng mình. Một không gian mang tên Phòng của bọn trẻ đã được mở nhằm trưng bày hơn 50 tấm ảnh về những căn phòng ngủ trống trải của các học sinh thiệt mạng trong thảm họa chìm phà Sewol. Nhiều người không khỏi xúc động khi nhìn thấy hình ảnh những chiếc giường phủ đầy gấu bông và những chiếc kệ kín sách nay không động đến.

Giám đốc của buổi triển lãm – ông Kim Jong Cheon, một nhà làm phim sinh sống tại Ansan cho biết những tấm hình này không chỉ khiến khắc họa nỗi đau của một gia đình mà còn khắc họa nỗi đau của cả một cộng đồng.

Cô Eom Ji Young thú nhận vẫn phải dùng đến rượu để yên giấc mỗi đêm

Cô Eom Ji Young thú nhận vẫn phải dùng đến rượu để yên giấc mỗi đêm

Một trong những căn phòng bị bỏ không đó thuộc về Yae Ji, con gái của cô Eom Ji Young. “Giờ đây, tôi sẽ không thể nghe tiếng con đánh đàn mỗi tối được nữa” – bà mẹ mất con đau đớn nói.

Cô Eom thú nhận luôn tự lừa dối bản thân rằng Yae Ji đã đi du học. Thế nhưng, mắt cô vẫn rơi lệ khi nhìn vào bức ảnh hồi bé của con gái, thẻ học sinh và chiếc đàn piano nay đã bám bụi. Cô nói rằng mình và những bậc cha mẹ mất con không muốn giữ quan hệ với những bậc cha mẹ có con còn sống bởi họ sợ sẽ trở thành gánh nặng cho những đứa trẻ vốn đã bị tổn thương quá nặng nề. Thay vì trò chuyện với những người bạn thân trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn, hiện nay, cô Eom chỉ gói gọn mối quan hệ của mình trong cộng đồng những người cùng mất con trên chuyến phà định mệnh.

“Chúng tôi đã trở nên thân thiết. Chúng tôi cũng biết rằng trái tim này sẽ không thể được chữa lành một khi Chính phủ chưa đưa ra câu trả lời chính xác cho những gì đã diễn ra”.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước