Thỏa thuận cho phép các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp Ukraine tham gia đầy đủ chương trình "Chân trời 2020" với các điều kiện như các quốc gia thành viên hoặc các quốc gia liên kết với EU. Thỏa thuận mang lại cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp của Ukraine nhiều cơ hội mới trong chuỗi giá trị nghiên cứu và sáng tạo, từ nghiên cứu cơ bản đến các hoạt động gần gũi thị trường. Chẳng hạn, Ukraine có thể được nhận hỗ trợ từ Hội đồng nghiên cứu châu Âu (ECR) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này trong lĩnh vực sáng tạo cũng như các chính sách nghiên cứu khác, đồng thời có thể tham gia cơ cấu điều hành chương trình. Ukraine sẽ tham gia chủ yếu trong các lĩnh vực ưu tiên như môi trường, giao thông, khoa học và công nghệ nano, vật liệu và công nghệ sản xuất mới, công nghệ sinh học, không gian, thực phẩm, nông nghiệp và nghề cá.
Ủy viên EU phụ trách nghiên cứu khoa học và sáng tạo Carlos Moedas cho biết, EU hoan nghênh Ukraine tham gia "Chân trời 2020", nhấn mạnh việc tham gia đầy đủ chương trình này sẽ góp phần làm cho nền kinh tế Ukraine trở nên năng động hơn. Ông Moedas khẳng định với tiềm năng lớn trong các lĩnh vực nghiên cứu và sáng tạo, Ukraine sẽ là đối tác đầy hứa hẹn của EU và sẽ góp phần thực hiện mục đích chung của toàn bộ cộng đồng khoa học và công nghệ.
Với nguồn ngân quỹ gần 80 tỷ Euro cho giai đoạn 2014-2020, "Chân trời 2020" là chương trình quốc tế lớn nhất về nghiên cứu và sáng tạo của EU. Ukraine đã chọn tham gia chương trình này đầu tiên sau khi thỏa thuận liên kết với EU có hiệu lực tạm thời. Động thái này cho thấy Ukraine và EU coi trọng nghiên cứu khoa học và sáng tạo nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Nước này cũng đang đề nghị liên kết với chương trình Euratom của EU về nghiên cứu và đào tạo.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.