Sau 3 năm, những người láng giềng mạnh về kinh tế, vững vàng về vị thế chính trị gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh tại Seoul. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh giữa ba nước còn tồn tại nhiều hoài nghi, chia rẽ với môi trường an ninh, chính trị luôn tiềm ẩn mâu thuẫn ở khu vực Đông Bắc Á. Đây cũng là cuộc gặp cấp cao đầu tiên sau 3 năm gián đoạn trong mối quan hệ của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, mang đến dấu hiệu tích cực trong quá trình khôi phục lòng tin và thúc đẩy hợp tác.
Ông Trần Việt Thái – Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Bộ Ngoại giao – nhận định: “Sự kiện được tổ chức ở thời điểm khá thuận lợi để ba nước tiến hành đàm phán, thương lượng. Trước đó, quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản đã có dấu hiệu ấm lên sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe và ông Tập Cận Bình tại Hội nghị cấp cao APEC 2014. Đặc biệt, kinh tế Trung Quốc hiện đang có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng. Vì thế, quốc gia này có nhu cầu rất lớn về thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại. Hơn nữa, nhiều chuyên gia đã dự đoán rằng, nếu Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc không quyết tâm tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), dòng vốn đầu tư thương mại sẽ có nguy cơ dịch chuyển khỏi khu vực Đông Bắc Á”.
“Ngoài ra, đây còn là thời điểm thuận lợi cho cơ chế đối thoại bởi quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc đang có dấu hiệu tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đáng chú là việc Tổng thống Park Geun-hye đã tới Trung Quốc tham dự lễ duyệt binh vào ngày 13/9 vừa qua. Đó là dấu hiệu rất rõ ràng cho việc tan băng trong mối quan hệ giữa hai nước. Đồng thời, cả ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có chung lợi ích duy trì hòa bình, ổn định nên cần có chung môi trường hòa dịu và nhu cầu về cuộc gặp cấp cao mới, nhằm bàn bạc về những vấn đề các bên cùng quan tâm, trong đó có nguy cơ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Vì thế, thời điểm hiện tại không chỉ thuận lợi đối với ba nước về kinh tế mà còn về chính trị”, ông Trần Việt Thái đánh giá.
Theo ông Trần Việt Thái, Hội nghị thượng đỉnh của ba quốc gia diễn ra ở Seoul cho thấy vai trò của Hàn Quốc trong việc kết nối mối quan hệ giữa các bên. Ông cho rằng: “Sự kiện được tổ chức ở Seoul không phải ngẫu nhiên mà còn có lý do lịch sử và hiện tại. Về khía cạnh lịch sử, Hàn Quốc chính là quốc gia đầu tiên đề xuất sáng kiến họp cấp cao ba bên vào năm 2004. Bởi ban đầu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc phải họp trong khuôn khổ cơ chế ASEAN +3, bên lề các hội nghị của ASEAN".
"Tới năm 2008, ba quốc gia đã có cuộc họp cấp cao riêng diễn ra ở Fukuoka, Nhật Bản. Còn về khía cạnh hiện tại, Hàn Quốc đã đưa ra sáng kiến xây dựng lòng tin chiến lược ở khu vực Đông Bắc Á, xây dựng hòa bình và thúc đẩy hợp tác để hướng tới môi trường ổn định hơn. Do đó, sự chủ động của Hàn Quốc đã góp phần thúc đẩy thay đổi trong quan hệ ba quốc gia, cùng tiến tới cơ chế đối thoại riêng giữa ba bên”.
Ông Trần Việt Thái cũng nhận định, bên cạnh mục tiêu chung là thúc đẩy hợp tác, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc còn là quốc gia hướng đến lợi ích lớn nhất qua cơ chế đối thoại này. Ông Thái phân tích: “Về mặt chiến lược, Hàn Quốc muốn riết ráo đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc, làm tiền đề quan trọng trong việc duy trì quan hệ với đối tác ở phía Bắc khu vực. Đồng thời, Hàn Quốc mong muốn hòa bình, không có sự đe dọa của vũ khí hạt nhân. Có thể thấy, nguy cơ phát triển vũ khí hạt nhân của bán đảo Triều Tiên không chỉ đe dọa tới phía Nam mà còn ảnh hưởng tới cả khu vực. Đây cũng là một vấn đề quan trọng đối với Hàn Quốc trong việc đẩy mạnh quan hệ cấp cao giữa ba quốc gia Đông Bắc Á”.
Để lắng nghe toàn bộ phân tích và nhận định của ông Trần Việt Thái, mời quý vị theo dõi qua video Toàn cảnh thế giới dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!