Hướng tới APEC 2017: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 25/12/2016 14:15 GMT+7

VTV.vn - Việc đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017 được đánh giá sẽ mang đến nhiều cơ hội và không ít thách thức cho Việt Nam.

Năm 2017 được xem là năm quan trọng trong đối ngoại của Việt Nam từ nay đến 2025, khi Việt Nam là Chủ tịch Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và đăng cai Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25. Đây là hội nghị rất lớn, có ý nghĩa không chỉ với Việt Nam mà còn cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động, đồng thời có tầm quan trọng tác động vào liên kết khu vực và toàn thế giới. Năm 2017 cũng là năm đánh dấu 19 năm Việt Nam tham gia APEC với những đóng góp quan trọng trong tiến trình kết nối khu vực và tự do hóa thương mại toàn cầu. Dó đó, việc đăng cai Hội nghị cấp cao APEC sẽ đem lại cơ hội và thách thức cho Việt Nam.

Bối cảnh thế giới hiện đã có nhiều biến động và thách thức hơn. Cụ thể, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang thay đổi thế giới một cách nhanh chóng, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, những biến động và thách thức gia tăng, tác động sâu rộng, đa chiều đến tất cả các nền kinh tế trên thế giới, tăng trưởng kinh tế năm 2016 giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng năm 2008 -2009, chỉ đạt 2,2%. Thành quả của toàn cầu hóa không được phân chia đồng đều giữa các khu vực, các nền kinh tế đã dẫn tới xu hướng phản đối tự do hóa thương mại gia tăng mạnh mẽ ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt ở các nền kinh tế lớn tại Mỹ và châu Âu. Các quốc gia có xu hướng áp dụng chính sách bảo hộ. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu lại thiếu đi sự lãnh đạo để ngăn chặn xu hướng thương mại tự do. Chính vì vậy, Việt Nam đã đề xuất chủ đề của năm APEC 2017 là "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", nhằm tạo thêm động lực trong bối cảnh mới vì duy trì hoà bình ổn định ở khu vực.

Theo ông Trần Việt Thái – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu APEC Việt Nam, chủ đề của APEC 2017 do Việt Nam đưa ra có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, việc là nước đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC cũng mang đến cho Việt Nam không ít thách thức.

"Về khách quan, Việt Nam sẽ phải tổ chức Hội nghị APEC trong bối cảnh nền kinh tế, thương mại, đầu tư đều giảm chậm lại, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng. Về mặt chủ quan, là một nước chủ nhà, điều khó nhất đối Việt Nam bên cạnh khâu tổ chức là ý tưởng đóng góp mới. Đây là vấn đề không đơn giản, bởi nền kinh tế Việt Nam còn tăng trưởng ở trình độ thấp nên khả năng đóng góp có hạn. Bên cạnh đó, nguy cơ về kỹ thuật như điều hành, tổ chức.. cũng còn khoảng cách khá lớn với các nước thế giới", ông Trần Việt Thái phân tích.

"Khi tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2006, chúng ta chưa có kinh nghiệm, cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ cán bộ còn mỏng. Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, chúng ta đã tổ chức một hội nghị tiết kiệm, có dấu ấn và thành công. Lần này, khi lần thứ 2 đăng cai tổ chức, điều kiện của Việt Nam đã tốt hơn nhiều, đội ngũ cán bộ làm công tác đa phương phát triển, có kinh nghiệm hơn. Cơ sở vật chất đã tốt hơn nhiều".

"Mặc dù vậy, APEC 2017 khác xa so với hội nghị năm 2006, khối lượng công việc, số nhóm và lĩnh vực hợp tác đã mở rộng hơn nhiều so với trước đây. Do vậy, đòi hỏi phải có sự năng động, tích cực vào cuộc không chỉ của bộ ngành mà còn từ phía doanh nghiệp và địa phương", ông Trần Việt Thái nhận định.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước