Khủng hoảng ngoại giao chưa từng có: Lối thoát nào cho "chảo lửa" Vùng Vịnh?

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 11/06/2017 10:59 GMT+7

VTV.vn- Tuần qua, khu vực Vùng Vịnh đã trở nên vô cùng nóng bỏng khi chứng kiến cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có giữa 4 nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập với Qatar.

Ngày 5/6/20017, đồng loạt 4 nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã đột ngột cắt đứt quan hệ với Qatar. Các nước này đã đóng cửa không phận, đóng cửa cảng biển, đóng cửa biên giới... để cô lập và trừng phạt Qatar với lý do nước này tài trợ cho khủng bố và cực đoan.

Khủng hoảng ngoại giao chưa từng có: Lối thoát nào cho chảo lửa Vùng Vịnh? - Ảnh 1.

Người dân Qatar gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển khi mà đồng loạt 4 nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đột ngột cắt đứt quan hệ

Trước đó, căng thẳng giữa Qatar và Saudi Arabia - một cường quốc ở Trung Đông đã "sôi sục" từ hai tuần trước sau một tranh cãi trên truyền thông.

Qatar nói rằng hãng thông tấn quốc gia và tài khoản Twitter của họ đã bị tin tặc tấn công, dẫn đến việc đăng tải thông tin sai lệch rằng Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani đã gọi Iran là "cường quốc Hồi giáo trong khu vực không thể bị phớt lờ".

Các hãng truyền thông nhà nước trong khu vực đã không đếm xỉa đến những lời phủ nhận của Qatar và tiếp tục đăng tải các bình luận xung quanh vấn đề này. Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã chặn việc truy cập trang mạng của Al-Jazeera (một công ty truyền thông quốc tế có trụ sở tại Doha, Qatar) và tiến hành chiến dịch quyết liệt nhằm cáo buộc Qatar hậu thuẫn những nhóm khủng bố như Al-Qaeda và IS, gây mất ổn định khu vực và phản bội các đồng minh.

Năm 2014, khi căng thẳng ngoại giao bùng phát giữa Qatar với các nước Arab, những thông điệp tương tự cũng được gửi tới Doha. Để xoa dịu căng thẳng, Qatar khi đó đã trục xuất một số nhân vật của Tổ chức Anh em hồi giáo, hứa kiềm chế Al-Jazeera đưa ra các quan điểm đối nghịch với những láng giềng Arab. Nhưng căng thẳng lần này cho thấy, sự đối đầu đã vẫn âm ỉ từ đó tới nay.

Bất chấp Qatar luôn lên tiếng bác bỏ, song các quốc gia Arab cáo buộc Qatar luôn có chính sách dung dưỡng với những tổ chức mà các quốc gia Arab không thể đội trời chung. Trước Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Ai Cập còn không ngần ngại chỉ trích Qatar đã thỏa hiệp với chủ nghĩa khủng bố tại Iraq.

Trên truyền thông, mọi thông tin đều đang lan truyền rằng Qatar đã trả 1 tỷ USD cho tổ chức khủng bố tại Iraq để chuộc những thành viên của gia đình hoàng gia bị bắt cóc tại đất nước này. Nếu đúng là sự thật, đây là sự vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc và sẽ tạo ra những tác động tiêu cực tới các nỗ lực chống khủng bố tại khu vực này.

Khủng hoảng ngoại giao chưa từng có: Lối thoát nào cho chảo lửa Vùng Vịnh? - Ảnh 2.

Hướng giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa 4 nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập với Qatar vẫn còn là một dấu hỏi

Hồi năm 2014, các quốc gia Arab và Qatar đã mất 8 tháng để bình thường hóa quan hệ. Theo phân tích cuộc khủng hoảng ngoại giao lần này dự kiến sẽ kéo dài hơn. Nhưng nhiều khả năng các bên cũng sẽ sớm phát đi các tín hiệu hòa giải của mình, khi mà Qatar không muốn bị cô lập hơn nữa. Trong khi các quốc gia Vùng Vịnh cũng không muốn đẩy Qatar đi quá xa khỏi quỹ đạo của mình, bởi cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều tuyên bố sẵn sàng trợ giúp Qatar cả về thương mại lẫn quân sự.

Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân cuộc khủng hoảng ngoại giao đang lan rộng tại Trung Đông, cũng như phân tích các giải pháp có thể hạ nhiệt cuộc khủng hoảng này, quý vị khán giả có theo dõi phóng sự của PV Đài Truyền hình Việt Nam thường trú tại khu vực, cũng những phân tích từ Đại sứ Nguyễn Quang Khai (nhà phân tích chính trị Trung Đông) trong chương trình Toàn cảnh thế giới ngày 11/6.  

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước