Pháo hoa rực sáng tại thủ đô Bình Nhưỡng, một buổi diễu hành hoành tráng đã được Triều Tiên tổ chức nhằm ăn mừng vụ phóng tên lửa đạn đạo thành công nhất từ trước đến nay của nước này.
Trong lần phóng tên lửa lần thứ 10 kể từ đầu năm, Triều Tiên lần đầu tiên tuyên bố đã phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang tên Hwasong 14 có thể vươn tới lãnh thổ của Mỹ. Tên lửa đã bay được khoảng 933 km, đạt độ cao 2.802 km, trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản. Về phía Mỹ và Hàn Quốc, hai nước này đã lần đầu xác nhận đây đúng là tên lửa đạo xuyên lục địa.
Người dân tại Seoul, Hàn Quốc theo dõi buổi phóng tên lựa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên (Ảnh: REUTERS/Kim Hong-Ji)
Vụ phóng thử tên lửa ngày 4/7 là minh chứng rõ nét nhất cho thấy Triều Tiên đang đạt những bước tiến mới về hạt nhân, tiếp tục hoàn thiện năng lực vũ khí của Bình Nhưỡng, bao gồm bom nguyên tử, bom nhiệt hạch và tên lửa xuyên lục địa. Ước tính, Bình Nhưỡng đang sở hữu từ 13-21 vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, những nỗ lực đạt được đồng thuận ở phương diện quốc tế để kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên tiếp tục đi vào lối mòn. Các nước Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc vẫn bất đồng giữa việc dùng biện pháp mạnh như quân sự, trừng phạt Triều Tiên hay tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân của nước này.
Liên Hợp Quốc thảo luận về vấn đề Triều Tiên hôm 5/7 (Ảnh: REUTERS)
Loại tên lửa mới của Triều Tiên thực sự là một nhân tố thay đổi cán cân cả về mặt biểu tượng lẫn khả năng tác chiến thực tế. Cục diện tại bán đảo Triều Tiên giờ trở nên thách thức hơn nhiều, khi mà các lựa chọn hành động ngày càng bị giới hạn đi kèm với những nguy cơ lớn.
Để nhìn rõ hơn cục diện sau tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ phía Triều Tiên và đi tìm một lời giải hữu hiệu nào để giảm sức nóng tại khu vực Đông Bắc Á, tất cả phần nào sẽ được giải đáp trong chương trình Toàn cảnh thế giới ngày 9/7.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!