Năm 2018 sẽ là đến hạn xem xét việc tiếp nhận lao động giữa Chính phủ hai nước Hàn Quốc và Việt Nam. Số lượng lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là khoảng 15.000 người. Điều này đang trở thành rào cản đáng kể cho việc gia hạn tiếp nhận lao động.
Trước đó vào năm 2016, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc mới ký bản ghi nhớ bình thường hóa việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Trong đó, phía Hàn Quốc đưa ra nguyên tắc là có thể sẽ không ký tiếp khi tỷ lệ người lao động cư trú bất hợp pháp tại nước này đã vượt quá 4% so với mức hai bên cam kết. Nhưng sau thời gian bị "đóng băng", sau hàng loạt những nỗ lực để ký lại, nay thỏa thuận có giá trị hai năm lại đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Đề cập về nguy cơ này, ông Đặng Sỹ Dũng - Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - nhận định: "Nguy cơ là có thật, nhưng không có nghĩa là chúng ta đã hết cơ hội bởi còn khoảng 7 tháng nữa cho tới thời điểm gia hạn. Nếu những nỗ lực được thực thi ráo riết, nếu chúng ta đưa được tỉ lệ bỏ trốn thấp hơn mức 4%, tức là đưa được khoảng 4.500 người lao động trở về thì cánh cửa tiếp nhận lao động mới có thể vẫn mở ra".
"Việc bỏ trốn hay cư trú bất hợp pháp tại bất kỳ quốc gia nào đều ẩn chứa những rủi ro khôn lường. Và thường thì cuộc sống ngầm hay thị trường ngầm đều có những quy luật nghiệt ngã mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Giữ uy tín của cá nhân khi cam kết một hợp đồng , cũng là cách các bạn giữ uy tín cho quốc gia , đặc biệt trong câu chuyện xuất khẩu lao động thì còn là giữ đất làm ăn cho đồng hương ở chuyến tiếp theo", ông Đặng Sỹ Dũng nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!