Lúc này, mưa đã ngớt nhưng còn diễn biến phức tạp. Trong khi nước tại Khánh Hòa, Bình Định đã rút thì một số vùng ở Phú Yên vẫn bị chia cắt.
Tại Phú Yên, lưu lượng về các hồ thủy điện tăng. Các hồ thủy điện phải tiếp tục vận hành điều tiết xả lũ theo quy trình vận hành liên hồ nên nước ở một số khu vực ở Phú Yên đã lên lại. Hầu hết vùng trũng thấp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh bị ngập. Đêm 4/11, ngay trung tâm thành phố Tuy Hòa có nơi ngập sâu từ 1 - 1,5m.
Trong 2 ngày qua, các địa phương đã triển khai phương án di dời dân ở những vùng trũng thấp, vùng triều cường. Gần 4.900 hộ với hơn 17.000 người dân đã được di dời đến nơi an toàn. Theo thống kê, có hơn 4.000 ha hoa màu bị ngập, ngã đổ. Gần 100 con bò của người dân bị chết.
Sáng 5/11, đã có 5 đoàn tàu Bắc - Nam bị kẹt ở ga Phú Hiệp, tỉnh Phú Yên. Các công trình giao thông, thủy lợi cũng bị hư hỏng nặng. UBND tỉnh Phú Yên đã triển khai các biện pháp quyết liệt để vừa phòng tránh lũ vừa triển khai công tác cứu trợ, khắc phục.
Các lực lượng công an, quân đội, bộ đội biên phòng tỉnh đã cử hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, lực lượng xung kích trực tiếp giúp dân trong vùng lũ, vùng bị triều cường và di dời đến nơi an toàn.
Trong khi đó, tại tỉnh Khánh Hòa, nước đã rút và không ghi nhận thiệt hại nào về người, chủ yếu là thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp và các công trình giao thông, thủy lợi. Mưa lũ cũng đã gây ngập gần 1.900 ha diện tích lúa và hoa màu. Nhiều tuyến đường ở các huyện miền núi bị hư hỏng, sạt lở, gây ách tắc giao thông. Đã có 6 tàu cá bị sóng đánh chìm trong những ngày qua.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!