Đây là trận khai hỏa của một chiến dịch kéo dài “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”, để có một chiến thắng quyết định sự kết thúc cuộc kháng chiến thần kỳ 9 năm chống thực dân Pháp.
Đúng 60 năm trước tại đồi Him Lam, ông Nguyễn Hữu Chấp và đồng đội của ông đã làm chủ 3 mỏm đồi ngay trong đêm khai hỏa chiến dịch và chỉ mất khoảng 6 giờ đồng hồ sau, thì Him Lam hay còn gọi là Béatrice đã vào tay Việt Minh.
Ông Nguyễn Hữu Chấp, chiến sỹ Đại đoàn 312 đánh đồi Him Lam chia sẻ: “Anh em bộ binh lên chỗ này thương vong nhiều quá vì cái cụm đại liên này. Cho nên đồng chí Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, hy sinh để bịt khẩu đại liên này, anh em mới lên được, mới chiếm được. Him Lam này chỉ giải quyết đêm 13, rạng ngày 14 là xong chứ không để đến hôm sau nữa. Thế là ta phá được cái kiêu căng của Pháp là nói rằng: Điện Biên Phủ là cối xay thịt, mà cứ điểm Him Lam là cánh cửa thép bất khả xâm phạm”.
Cụm cứ điểm Him Lam, người Pháp gọi là Béatrice nằm án ngữ trên con đường huyết mạch từ Hà Nội qua Tuần Giáo đi Lai Châu. Đây được coi lá chắn thép mạnh nhất bảo vệ cho Tập đoàn cứ điểm từ hướng Bắc nên quân Pháp đã bố trí tại đây một lực lượng pháo binh thiện chiến nhất.
Béatrice cũng như 7 trung tâm đề kháng khác ở lòng chảo này đều mang tên phụ nữ Pháp. Về phía Việt Nam, đã có thêm gần 2 tháng để chuẩn bị cho trận đánh này sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển phương án từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", ngày 13/3, vào lúc 17giờ, 40 khẩu pháo đã đồng loạt nã đạn vào Him Lam.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, quý độc giả có thể theo dõi video dưới đây: