Thời điểm kiểm tra, các xưởng này vẫn hoạt động bình thường. Lãnh đạo UBND quận Thủ Đức thừa nhận đã xử lý vụ sai phạm này chậm trễ.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết: "Chậm trong quá trình đôn đốc, dứt điểm, hai là chậm trong quá trình thông tin đối với các cơ quan có liên quan khi có phản ánh. Những công việc này sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc trong thời gian sắp tới".
Nhà xưởng của ông Thành đã sai phạm từ 7 năm trước nhưng đến chiều 22/10, khi đích thân Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM xuống kiểm tra các công trình sai phạm, ông Thành mới cam kết tự nguyện tháo dỡ.
"Nếu chúng ta không xử lý nghiêm đối tượng này thì người dân nhìn vào sẽ cho rằng người cán bộ do dân bầu ra, cán bộ lãnh đạo còn vi phạm như thế thì nói gì đến người dân" là ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trả lời báo chí bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra. Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh: Phải xử lý đến nơi đến chốn đối với trường hợp vi phạm của ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức.
Những công trình xây dựng trái phép không chỉ có ở Thủ Đức. Trên địa bàn TP.HCM, nhiều quận huyện đều tồn tại tình trạng này như trung tâm hội nghị Riverside Palace, đơn vị có hành vi vi phạm xây dựng không phép lên đến hơn 260m2 ở ngay mặt đường Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4 để phục vụ mục đích kinh doanh. Đáng nói, công trình này đã có từ năm 2016 mặc dù đã có quyết định buộc tháo dỡ từ các cơ quan chức năng.
Hay như trường hợp hàng loạt căn nhà xây dựng không phép ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Mặc dù là xây không phép, thế nhưng những căn nhà này tồn tại hơn chục năm nay vẫn không bị xử lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!