88 điểm sạt lở dọc bờ biển miền Trung có chiều dài hơn 120km

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 07/11/2018 20:11 GMT+7

VTV.vn - Tính đến tháng 7 năm nay, dọc bờ biển miền Trung đang có 88 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 120km.

Chính phủ sẽ trích ngân sách dự phòng trung ương của năm nay để hỗ trợ 13 tỉnh, thành miền Trung ứng phó khẩn cấp với tình trạng sạt lở bờ biển và bồi đắp cửa sông. Quyết định này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại cuộc làm việc với lãnh đạo các Bộ và 13 địa phương này vào sáng nay (7/11).

Đây là cuộc làm việc thứ 3 về sạt lở bờ sông, bờ biển và sạt lở đất trong năm nay do Thủ tướng chủ trì sau các cuộc làm việc với các tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với một cuộc làm việc riêng về hỗ trợ tiền xây dựng lại nhà cửa cho gần 5.600 hộ dân bị mất nhà do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất gây ra trong cả nước.

Tính đến tháng 7 năm nay, dọc bờ biển miền Trung đang có 88 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 120km, trong đó có 24 điểm đặc biệt nguy hiểm. Sạt lở bờ biển đang ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nhân dân.

Trong lúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các địa phương đang tìm giải pháp để xử lý các điểm sạt lở cũ, ngay trong sáng nay, tại tuyến kè đê thuộc KP.9 của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận có 4 điểm dài hơn 100m bị sạt lở nghiêm trọng. Trong khi đó, tình trạng bồi lắng các khu vực cửa sông cũng đang diễn ra rất phức tạp ở 40 điểm.

Các tỉnh đề nghị ưu tiên xử lý khẩn cấp 24 điểm. Tổng kinh phí dự trù để xử lý 48 điểm sạt lở bờ biển và bồi đắp cửa cửa sông đặc biệt nguy hiểm này là trên 5.000 tỷ đồng. Để hỗ trợ các địa phương ứng phó với tình hình sạt lở và bồi đắp đang ngày càng diễn ra nghiêm trọng, ngoài khoản hỗ trợ khẩn cấp cho năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí ngân sách dự phòng trung ương trung hạn để hỗ trợ 13 địa phương trong những năm tới. Đồng thời Thủ tướng khẳng định, các tỉnh, thành phải quán triệt tinh thần bảo vệ tính mạng, tài sản người dân, các di sản văn hóa, giảm thiểu tối đa thiệt hại những khu vực bị ảnh hưởng bởi sạt lở và bồi đắp. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng trong quản lý vốn và xử lý thủ tục đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các địa phương phải có giải pháp thu hút mạnh mẽ nguồn lực từ xã hội, đi cùng với kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế và vốn ODA của các nước để giải quyết vấn đề này. Điển hình như tháng trước, Thủ tướng đã gặp một liên minh các doanh nghiệp Hà Lan đang có ý định đầu tư vào dự án chống sạt lở ở Cửa Đại với công nghệ tiên tiến để tạo nên những khu đất mới cho phát triển đô thị và du lịch.

Thủ tướng nhấn mạnh, 60% GDP của cả nước là từ các tỉnh, thành có biển nên chúng ta cần phải sống chung với biển, tận dụng cơ hội, bảo vệ biển, bảo vệ môi trường biển. Đặc biệt dải đất miền Trung hẹp nên việc lấn biển, giữ gìn đất đai, phát triển non sông đất nước rất quan trọng chứ không phải tư duy "hết đất chạy lên núi". Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuối năm nay cần trình Kế hoạch tổng thể ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển để các địa phương chủ động ứng phó.

Sạt lở hàng chục ha đất cồn trong 2 tháng Sạt lở hàng chục ha đất cồn trong 2 tháng

VTV.vn - Chỉ trong 2 tháng qua, sạt lở đã ăn sâu vào đất cồn, khiến hàng chục ha đất của người dân xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp bị nhấn chìm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước