Mất vệ sinh, nặng nhọc và không an toàn là tình trạng phổ biến của môi trường làm việc ở nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh tại nông thôn hiện nay. Vì không có sự lựa chọn việc làm nào tốt hơn nên các lao động mà phần lớn là lao động nữ vẫn phải chấp nhận làm việc với những điều kiện hạn chế. Trong khi đó, các chủ doanh nghiệp, chủ xưởng sản xuất cũng không biết môi trường sản xuất này không an toàn cho người lao động và cho chính họ.
Đầu trần, dép lê... là cảnh quen thuộc của người lao động tại một xưởng sản xuất tôn ở Thái Nguyên. Tương tự, một trang trại nuôi lợn xã Phủ Lý, Phú Lương, Thái Nguyên có hơn 10 lao động nữ trên 40 tuổi với công việc chính là vệ sinh chuồng trại và cho lợn ăn. Ngoài tiền công được trả theo ngày, họ cũng không được chủ trại trang bị bảo hộ lao động nào trong quá trình làm việc.
Do vốn đầu tư có hạn và ít khi bị kiểm tra nên trang thiết bị an toàn lao động ở nhiều doanh nghiệp tại nông thôn đều rất sơ sài. Nếu sự cố xảy ra thì lao động ở đây sẽ gánh chịu hậu quả của sự thiếu an toàn này.
8 người thiệt mạng trong vụ cháy xưởng bánh ngày 28/7 vừa qua xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã cho thấy mức độ nguy hiểm của môi trường lao động ở nông thôn hiện nay. Một giả thiết đặt ra là những người lao động này nếu có kỹ năng và trang bị về an toàn lao động thì con số thiệt hại về người đã không cao như vậy, bởi chỉ cần có búa phá mảng tường của xưởng thì nhiều người đã thoát ra ngoài được.
Khoảng 35 triệu người đang làm việc ở nông thôn trong các doanh nghiệp nhỏ và tổ đội sản xuất, trong đó lao động nữ chiếm hơn một nửa. Do đó, không thể coi thường vấn đề an toàn lao động ở nông thôn hiện nay.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!