Những năm trở lại đây, khai thác khoáng sản, nhất là
khai thác đá ở TT Huế phát triển mạnh, đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là một số doanh nghiệp khai thác đá vẫn còn lơ là trong việc thực hiện quy trình bảo đảm an toàn lao động.
Tại mỏ khai thác đá Xuân Long, trên địa bàn xã Hương Thọ, không khó để bắt gặp những công nhân không mang bất kì một vật bảo hộ lao động nào, không mũ, không giày, không trang phục lao động.
Mỏ Xuân Long là 1 trong 6 mỏ khai thác đá đóng trên địa bàn xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, hiện có 60 công nhân đang làm việc, nhưng chỉ một nửa trong số đó là hợp đồng dài hạn, số còn lại chỉ là lao động theo thời vụ. Trong những năm gần đây, việc cơ giới hóa được các đơn vị chú trọng nhằm nâng cao năng suất khai thác, nhưng hiệu quả của công việc lại không đồng hành với việc bảo vệ an toàn cho người lao động.
Ông Phạm Văn Dũng, Quản đốc Xí nghiệp Xuân Long, tỉnh TT Huế cho biết: “Bảo hộ lao động cấp phát theo đợt, trường hợp công nhân mới vào thì chưa phát kịp”.
Còn tại Xí nghiệp khai thác đá Ga Lôi, thuộc Công ty Cổ phần khai thác đá TT Huế, mặc dù được cấp phát bảo hộ lao động đầy đủ, nhưng xem ra ý thức của người lao động vẫn còn khá chủ quan khi không mang nón bảo hộ.
Hiện trên địa bàn toàn tỉnh TT Huế có 21 đơn vị khai thác đá được cấp phép hoạt động. Việc cơ giới hóa trong khai thác ở các mỏ đá được chú trọng, số lượng lao động tay chân giảm đáng kể, nhưng phải chăng, khi máy móc thay thế con người thì các doanh nghiệp lại phớt lờ việc bảo vệ an toàn tính mạng người lao động?
Nghề khai thác đá luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, nếu thiếu ý thức hoặc chủ quan trong quá trình lao động có thể xảy ra hậu quả khôn lường. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần siết chặt hơn việc thực hiện đảm bảo ATLĐ ở các đơn vị doanh nghiệp, nhưng trước mắt, người lao động cần nâng cao ý thức để tự bảo vệ mình.
Mời quý vị và các bạn theo dõi thêm thông tin trong Video dưới đây: