Đối thoại APEC về Đô thị hóa Bền vững. (Ảnh:TTXVN)
Theo đánh giá của các chuyên gia về đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế có sự tích tụ về kinh tế rất lớn tại các thành phố lớn. Do đó, đô thị hóa bền vững là phải giúp những người sống xa thành phố vẫn được hưởng sự tăng trưởng này. Đây cũng chính là vấn đề mà Việt Nam cần giải quyết được nêu ra tại phiên tổng thể đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững.
Theo đánh giá, các bài phát biểu tại phiên tổng thể APEC 2017, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong 3 thập kỷ qua, khu vực đô thị của Việt Nam đóng góp hơn một nửa tổng sản phẩm trong nước GDP. Tỷ lệ dân cư đô thị tăng nhanh từ mức 20% năm 1986 lên 34% năm 2015. Quá trình đô thị hóa của Việt Nam cũng theo quỹ đạo đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế của các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đối mặt với vấn đề là đô thị hóa nhanh chóng, nhưng lại không "đô thị hóa" về con người, tập trung quá nhiều tại những thành phố lớn, không phát triển sang các vùng ngoại vi như nông thôn. Điều này tạo ra sự phân hóa trong tăng trưởng kinh tế giữa các khu vực.
Theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa không thể đảo ngược. Với tốc độ đô thị hóa ở mức 36% như hiện nay tại Việt Nam, Chính phủ cần có những định hướng phát triển đô thị hóa hiệu quả, như cải cách thể chế và mở rộng kết cấu hạ tầng, quy hoạch có sự kết nối đồng bộ, tạo thông thoáng cho thị trường đất đai, đặc biệt là tạo ra sự cân bằng chất lượng sống cho dân cư tại khu vực thành phố và nông thôn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!