Bạn bè thế giới tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nhóm phóng viên-Thứ bảy, ngày 12/10/2013 07:07 GMT+7

 Trong những ngày này, bạn bè thế giới tiếp tục bày tỏ sự tiếc thương, lòng khâm phục Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua các cuộc trò chuyện với phóng viên.

Ông Trương Đức Duy, Nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam: Hôm mùng 5/10 biết tin đồng chí Đại tướng qua đời, tôi cảm thấy rất xúc động, rất đau buồn. Đại tướng là nhà cách mạng, nhà chỉ huy quân sự hết sức kiên cường. Trong những lần họp bàn, Đại tướng thường xuyên nhấn mạnh phải quyết chiến, quyết thắng.

Bên cạnh đó, Đại tướng cũng là người rất cẩn thận, nghiên cứu, phân tích rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ mọi phương án, mọi tình huống đặt ra, cho dù đó là một trận đánh bình thường hay chiến dịch lớn.

‘ Ông Trương Đức Duy

Một điều ấn tượng nữa, Đại tướng là nhà lãnh đạo cao cấp, tiếng tăm lẫy lừng như vậy nhưng hết sức bình dị, gần gũi với mọi người, nhất là đối với cấp dưới. Khi còn ở Việt Bắc, Đại tướng thường xuyên đến thăm cán bộ trong đoàn cố vấn, Đại tướng hỏi han chúng tôi có thiếu thốn gì không, sinh hoạt có quen không, có vất vả không, có chịu đựng được không… những tình cảm đó khiến các thành viên trong đoàn đều hết sức cảm động.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần không chỉ là sự mất mát của nhân dân Việt Nam, mà còn là niềm thương tiếc của nhân dân Trung Quốc.

Ông Anatoly Khiupenhen, Nguyên Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô (1972-1975): Trước tiên tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới nhân dân Việt Nam, tới gia quyến, người thân vì sự mất mát to lớn, mất đi một niềm tự hào của dân tộc Việt Nam - ngài Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

‘ Ông Anatoly Khiupenhen

Trong lòng chúng tôi, những người đã từng tham gia chiến đấu ở Việt Nam luôn ngự trị một sự kính trọng, biết ơn tới nhà quân sự lỗi lạc, một thiên tài. Ông là một nhà lãnh đạo quân sự tài ba, nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, người bạn của Liên Xô, người đồng chí của những người lính như tôi.

Ông Chia Teck Keng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Singapore: Võ Nguyên Giáp là một vị tướng nổi tiếng. Tôi cho rằng tất cả các sĩ quan quân đội ở một giai đoạn nào đó đều phải học về chiến lược cầm quân và cũng như về những vị Tư lệnh quân đội trên thế giới.

Ở vị trí Singapore, chúng tôi rất may mắn là láng giềng của Việt Nam và khi còn là sĩ quan trẻ, tôi đã học về năng lực chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi cho rằng khả năng của Đại tướng dẫn dắt đội quân đối mặt với “điều không thể” đã làm nên sự khác biệt.

Đại tướng kể rất nhiều với chúng tôi, chúng tôi có một cuộc thảo luận vui vẻ, nhưng điều tôi nhớ nhất là câu nói về cách bộ đội Việt Nam chiến đấu trong cuộc chiến với người Mỹ. Bộ đội đã được chỉ đạo cách “Nắm lấy thắt lưng địch mà đánh” để họ có cơ hội chiến thắng trong trận chiến với quân thù. Đó là một vị tướng mà hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của lực lượng vũ trang của mình. Và lịch sử đã cho thấy chiến thuật của ông đã đúng và người dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi vẻ vang.

Giáo sư Kaneko Kumao, Nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế: Sau khi kết thúc chiến tranh, tôi rất mong muốn quay trở lại Việt Nam, đặc biệt là đến thăm Hà Nội. Tôi tham gia Ủy ban nghiên cứu chính sách kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản và đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo ở Việt Nam.

‘ Giáo sư Kaneko Kumao

Vào khoảng năm 1989, mối quan hệ Việt Nhật ấm dần lên và Nhật Bản bắt đầu cung cấp nhiều gói viện trợ ODA cho Việt Nam. Khi đó chúng tôi có cuộc hội thảo ở Hội An, tại hội thảo đó lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó Đại tướng đã trên 80 tuổi rồi. Tôi có ấn tượng về một người đàn ông trầm tĩnh, đầy bản lĩnh. Một người đã đứng ở vị trí cao nhất trong quân đội Việt Nam suốt 30 năm, trải qua liên tiếp hai cuộc chiến tranh lớn và đều giành chiến thắng, phải là một nhân vật rất xuất sắc.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước