Thủ tướng Angela Merkel đã mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Đức ngay sau khi Thủ tướng mới nhậm chức hồi tháng 5/2016 - tại hội nghị G7 ở Nhật Bản. Và lời mời này được nhắc lại một lần nữa vào tháng 7 tại Hội nghị Cấp cao ASEM ở Mông Cổ. Đây được đánh giá là điều hiếm có và khá đặc biệt.
Mặc dù chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh Đức rất bận rộn chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh G20, nhưng phía bạn đã tổ chức đón Thủ tướng với tinh thần hết sức trọng thị, hữu nghị và cũng rất thân tình. Điều này thể hiện, phía Đức rất quan tâm đến chuyến thăm của Thủ tướng, với mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức
Trong chuyến thăm chính thức làm việc tại Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc bận rộn với nhiều hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực nhằm làm sâu sắc hơn Đối tác chiến lược trên các lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu - quản lý nước và nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực giữa Việt Nam với Hà Lan.
Có thể nói, một trong những mối quan tâm hàng đầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Hà Lan là hợp tác về thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì vậy, Thủ tướng đã tới thăm trường Đại học và Trung tâm nghiên cứu Wageningen, một trong những trường Đại học hàng đầu về nông nghiệp trên thế giới để trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao và gặp gỡ với các sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại đây.
Chuyến thăm vừa qua là chuyến thăm Tây Âu đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá, chuyến thăm có trọng tâm, trọng điểm và đạt kết quả cụ thể trên tất cả các lĩnh vực.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng cho rằng, việc nước Chủ tịch G20 mời Thủ tướng dự Hội nghị quan trọng này thể hiện sự coi trọng của Đức và các nước G20 đối với vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế và khu vực.
Theo phản ánh của báo chí, các đoàn tham dự G20 khi gặp Thủ tướng đều chúc mừng, bày tỏ sự coi trọng vai trò, vị thế cũng như sự tham dự của Việt Nam tại các hội nghị G20, hoan nghênh các ý kiến đóng góp mang tính xây dựng và có trách nhiệm của Việt Nam và mong muốn Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò chủ nhà APEC 2017.
Có thể nói, đây là yếu tố rất thuận lợi để Việt Nam tiếp tục nâng cao vị thế tại các diễn đàn đa phương quan trọng, nhất là chuẩn bị tốt và tổ chức thành công Năm APEC 2017.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!