Mới đây tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang xảy ra câu chuyện đau lòng khi em Trần Quang Khải, 13 tuổi bị điện bẫy chuột giật chết. Trường hợp của em Khải không phải lần đầu, nhưng địa phương vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn. Sự việc này sẽ không dừng lại nếu bẫy chuột bằng điện còn tiếp diễn.
"Tôi nghĩ, thiếu gì cách bắt chuột như: Bằng rập, bằng thuốc hóa học, mèo, rắn. Nếu mọi người cứ sử dụng bẫy điện, nguy hiểm đến tính mạng còn nhiều", anh Trần Minh Lý, người dân xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn bức xúc.
Theo thống kê từ năm 2010 đến nay, việc dùng điện đánh bắt cá, bẫy chuột đã làm chết hàng chục người tại ĐBSCL. Hầu hết các vụ tai nạn xảy ra tại các vùng nông thôn, nơi mà việc tuyên truyền giáo dục pháp luật còn nhiều hạn chế.
"Thứ nhất là người dùng điện mắc ở nơi có nhiều người qua lại, cho dù có làm biển báo, nhưng có người bị điện giật chết, người gài điện vẫn bị xét xử về tội giết người. Thứ hai, nếu người mắc điện ở nơi họ tin không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, người phạm tội bị xét xử tội vô ý làm chết người", Luật sư Trần Thanh Phong, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ nhấn mạnh.
Thời gian qua ở ĐBSCL đã có nhiều người tử vong, vướng phải tù tội vì bẫy điện. Để những câu chuyện đau lòng đó không còn tiếp diễn, ngành Điện lực, chính quyền các địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn. Đặc biệt người dân cần loại bỏ ngay bẫy điện trên các đồng ruộng.
Việc người dân ở các địa phương ĐBSCL đi soi ếch ban đêm rất phổ biến, vì thế nếu bẫy chuột bằng điện còn tiếp diễn, sẽ rất dễ xảy ra tai nạn chết người.