Nguy cơ cho trẻ em vùng lũ (Ảnh: Tuổi trẻ)
Mùa lũ năm nay, những cụm tuyến dân cư vượt lũ và điểm giữ trẻ tập trung ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều em nhỏ thiệt mạng trong mùa lũ.
Trong số 34 trường hợp chết đuối do lũ ở ĐBSCL, Đồng Tháp có đến 14 trẻ em trên tổng số 15 trường hợp tử vong do lũ. Còn số trẻ em chết đuối tại An Giang là 9, Long An là 5.
Gia đình ông Lê Văn Hạp ở xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông vừa có cháu nhỏ 11 tháng tuổi bị chết đuối cách đây không lâu. Gia đình cho biết, vào ngày 1/10, cháu Lê Văn Huy ở nhà ngủ với mẹ ngoài lan can. Do người mẹ ngủ quên còn cháu bò nghịch khắp nơi nên bị ngã xuống nước chết ngạt, đến khi phát hiện và tiến hành sơ cứu đã quá muộn. Giờ nghĩ lại vụ tai nạn đau lòng trên, gia đình cho rằng phải chi cẩn thận hơn chút nữa thì đâu đến nỗi nào.
Trong trận lũ năm 2000, Đồng Tháp có 150 người chết, trong đó có 116 trẻ em. Còn năm nay, con số này đang có dấu hiệu tăng dần trong thời gian gần đây và hiện đang ở mức 14 trẻ. Liên tiếp các vụ chết đuối xảy ra trong thời gian qua đã phần nào cảnh báo các bậc phụ huynh về việc đảm bảo an toàn cho con em mình. Nhưng biện pháp bảo vệ thì vẫn còn khá đơn giản.
Chị Phạm Thị Loan, xã Phú Hiệp, Tam Nông, Đồng Tháp nói: “Nghe thấy nhiều vụ tai nạn trên tôi cũng sợ và thường ở nhà trông giữ con. Khi nào bận, tôi gửi về ông bà nội”.
Nếu so với con số 539 người chết vào năm 2000, với hai trận lũ tương đương nhau, sau 10 năm số người chết đã giảm khoảng 20 lần. Thế nhưng, ý thức của người dân trong việc tự bảo vệ con em mình thì dường như vẫn chưa cao. Đa số các trường hợp tử vong là ở nhóm tuổi từ 1 tới 5 và nguyên nhân được xác định phần lớn vẫn là do sự chủ quan, lơ là của phụ huynh.
Ông Đặng Ngọc Lợi, Ủy viên thường trực BCH Phòng chống lụt bão tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Có 2 vấn đề, một là do bất cẩn, hai là do lũ kéo dài nên cũng có nhiều bất cẩn xảy ra. Vấn đề tuyên truyền cho bà con nhân dân để làm sao bảo vệ con em mình là điều mà chúng tôi nhắc nhở thường xuyên. Dẫu sao đi nữa, cái chính vẫn là gia đình bảo vệ con em mình”.
Tiến sĩ Võ Anh Hổ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp nói: “Chính quyền địa phương và các đoàn thể đã tổ chức các điểm giữ trẻ. Tuy nhiên, vì điều kiện gia đình, nhiều người không gởi được. Cho nên, đề nghị cô bác bà con dành thời gian quan tâm chăm sóc con trẻ”.
Tình hình mưa lũ năm nay diễn biến hết sức phức tạp và dự báo sẽ còn kéo dài đến cuối tháng. Điều này cũng đồng nghĩa trẻ em tại các vùng lũ sẽ còn đối mặt với nhiều nguy hiểm, mà cụ thể là nguy cơ chết đuối. Để bảo đảm an toàn và hạn chế số lượng trẻ em tử vong do lũ thì bên cạnh nỗ lực của các ngành chức năng mỗi gia đình cũng cần tự chủ động và quan trọng nhất là không thể chủ quan, lơ là.