Thống kê cho thấy, khoảng 20 năm nữa sẽ có trên 1/5 dân số Việt Nam là người cao tuổi và vào năm 2050 số người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 1/3 dân số. Phần lớn người cao tuổi ở Việt Nam không có tích lũy, không có điểm tựa tài chính khi hết tuổi lao động. Hiện nay, có khoảng 11 triệu người già không có lương hưu. Sau hàng chục năm nữa, họ có thể tạo ra gánh nặng an sinh rất lớn cho cộng đồng.
Chính vì vậy, lao động phi chính thức được khuyến khích tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với các mức đóng khác nhau, thời gian đóng cũng khác nhau. Từ đó xuất hiện khái niệm "bảo hiểm xã hội đa tầng" mà tổ chức Lao động Quốc tế và nhiều nước đang tích cực triển khai.
Cuộc sống dù còn nhiều khó khăn cũng chẳng khiến cho vợ chồng bà Nữ mất đi tinh thần lạc quan bởi cả hai đều có chỗ dựa khi về già. Ông có chế độ thương binh, còn bà cũng có lương hưu sau gần 20 năm miệt mài đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cách đây gần 20 năm, những hội viên hội nông dân như bà Nữ đã tham gia bảo hiểm nông dân với mức đóng 20.000 đồng/tháng. Lúc đó, hàng trăm người trong xã cùng tham gia, nhưng đến giờ, chỉ có 3 người kiên trì đóng bảo hiểm bởi họ thấy được "chỗ dựa" tài chính khi về già.
Tuy nhiên, số người tham gia bảo hiểm tự nguyện như những nông dân ở Nghệ An quá ít. Trong 1.000 người lao động phi chính thức chỉ có 2 người được đóng BHXH bắt buộc, tức là chỉ có 2 người mới có lương hưu khi về già.
Biện pháp để đảm bảo an sinh trong tương lai gần là phải xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Thay vì phải đóng bảo hiểm tới 20 năm mới được hưởng lương hưu, thời gian đóng có thể rút xuống còn từ 10 - 15 năm; mức đóng - hưởng được chia làm nhiều tầng khác nhau để bất cứ ai cũng có thể tham gia, không phụ thuộc vào mức đóng, thời gian đóng và độ tuổi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!