Bảo vệ lưu vực sông: Cần một cơ quan có quyền lực thực sự

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 09/12/2015 10:56 GMT+7

VTV.vn - Theo quan điểm của các chuyên gia, để giải quyết bài toán bảo vệ lưu vực sông hiện nay, yếu tố quan trọng là cần một cơ quan chỉ đạo thống nhất tất cả các hoạt động.

Với 392 con sông chảy liên tỉnh, sông ngòi Việt Nam được coi như hệ thống mạch máu nuôi dưỡng sự sống vùng cư dân triền sông trải dài đất nước. Nguồn nước tự nhiên theo dòng chảy đi qua các vùng mang đến những mảnh đất phù sa để bốn mùa cây trồng tươi tốt và gần 45% sản lượng điện của cả nước cũng nhờ những dòng chảy này.

Những dòng chảy liên tục đã trở thành mối liên kết trong đời sống kinh tế giữa các vùng ven sông, có tác động đến cuộc sống của hàng chục triệu người dân. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm, thay đổi dòng chảy, nguy cơ cạn kiệt tài nguyên trên các lưu vực sông đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sản xuất của người dân. Câu chuyện đầu nguồn khai thác, xả thải khiến hạ lưu phải gánh chịu luôn trở thành đề tài nóng ở các điạ phương ven sông. Dù sự ra đời của Luật bảo vệ môi trường và việc thành lập các Ủy ban bảo vệ sông đã chứng tỏ quyết tâm của các Bộ, ngành địa phương trong vấn đề bảo vệ lưu vực sông nhưng trên thực tế, vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập.

Cá chết trắng, ô nhiễm nước và không khí là những hiện trạng đang diễn ra, gây bức xúc cho người dân sinh sống tại ven sông. Nước thải từ nhiều làng nghề vẫn bị xả trái phép ra môi trường sông. Song song với đó, lòng sông cũng đang bị "rút ruột" tới cạn kiệt bởi hoạt động khai thác cát trái phép. Đây là những câu chuyện phổ biến tại hầu hết các lưu vực sông như sông Hồng, sông Lô, sông Đồng Nai. Hậu quả của việc khai thác trái phép này là lòng sông xơ xác, sạt lở và thay đổi dòng chảy ở nhiều nơi.

Trên cùng một dòng sông, hiện nay có 4 Bộ, ngành giữ vai trò quản lý là Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN &PTNT và Bộ Giao thông Vận tải. Hệ thống văn bản chính sách đã quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành trong việc quản lý tài nguyên trên các lưu vực sông. Tuy nhiên, vấn đề là Việt Nam đang thiếu một tổ chức có quyền hạn và trách nhiệm thực sự để điều tiết các vấn đề trên lưu vực sông.

PGS.TS Nguyễn Văn Thắng - trường ĐH Thủy lợi Hà Nội - cho biết: “Theo quan niệm về quản lý tổng hợp lưu vực sông phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa quản lý địa giới hành chính và quản lý tổng hợp lưu vực sông. Trên lưu vực sông phải có một ban quản lý hoặc cơ quan quản lý chỉ đạo thống nhất tất cả các hoạt động về khai thác sử dụng nước cũng như phòng chống những thiệt hại do nước gây ra”. Đây cũng là quan điểm nhận được sự đồng thuận của TS. Đào Trọng Tứ - GĐ Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và biến đổi khí hậu.

"Chúng tôi luôn nhấn mạnh là phải có cơ quan quyền lực thực sự. Chẳng hạn như với vấn đề khai thác cát, rõ ràng nếu tỉnh này cho phép hoạt động khai thác diễn ra sẽ gây tác động tới tỉnh khác nhưng những địa phương đó lại không thể làm gì vì nó thuộc quyền hạn của mình", ông Đào Trọng Tứ phân tích.

Việt Nam là quốc gia có nguồn nước không phong phú bởi 2/3 nước mặt được sản sinh từ các nước láng giềng. Vì vậy, nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan như sự thiếu hụt, cạn kiệt nguồn tài nguyên này. Xây dựng các giải pháp để bảo vệ bền vững các lưu vực sông trở thành là bài toán cấp bách cần có lời giải hữu hiệu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước