Trong khi nhiều địa phương còn đang loay hoay với việc xử lý rác thải, nước thải ở khu dân cư thì Hà Tĩnh đã xây dựng và triển khai đề tài: "Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác thải và nước thải trong khu dân cư". Mỗi hộ dân sẽ là một mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải ngay tại gia đình.
Gia đình nhà chị Nguyễn Thị Xuân ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên đã phân loại rác vào 4 thùng, rác hữu cơ làm phân vi sinh, rác khó phân hủy xử lý tập trung, rác sử dụng tái chế để tiện cho việc xử lý rác sau đó. Chị còn được đầu tư xây dựng một hệ thống xử lý chất thải và nước thải, từ chăn nuôi, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt... trải qua 4 bể lọc và yếm khí.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở TN&MT triển khai đề án từ năm 2019 tại ở 13 xã của tỉnh Hà Tĩnh. Mô hình điểm thành công sẽ là điển hình để các hộ khác chủ động đầu tư, bởi một hệ thống xử lý nước thải chi phí xây dựng chỉ mất từ 2 - 3 triệu đồng. Hệ thống rác thải tái chế thành phân hữu cơ qua hệ thống ủ men vi sinh, nguồn phân bón hữu cơ tái chế sẽ quay trở lại phục vụ bón chính cây trồng của mỗi gia đình.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thể địa phương, tuyên truyền về việc thu gom và phân loại rác, khối lượng rác hàng tháng ở mỗi xã tham gia đề án giảm. Nếu trước đây, trung bình một xã phải dùng đến 12 xe 6 tấn mới chở hết, hiện nay nhờ phân loại rác chỉ dùng đến 3 xe/tháng.
Xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh không chỉ dừng ở việc tạo cảnh quan mà bao gồm cả xây dựng môi trường sống trong lành không ô nhiễm rác và nước thải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!