Đầu tháng 10, UBND Hà Nội đã xin ý kiến của Bộ Giao thông Vận tài, Bộ Xây dựng về đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, để UBND thành phố làm cơ sở báo cáo HĐND phê duyệt.
Trong đồ án này, Hà Nội dự kiến quy hoạch 7 bến xe liên tỉnh gồm bến xe khách phía Bắc (ở Nội Bài), bến xe Đông Anh, bến xe Cổ Bi, bến xe phía Nam (tại huyện Thường Tín), bến xe Yên Nghĩa, bến xe phía Tây, bến xe Tây Bắc (Phùng). Ngoài ra, trong giai đoạn quá độ chuyển tiếp giữa các bến xe hiện có và bến xe quy hoạch mới, Hà Nội dự kiến xây bến xe Yên Sở tại vành đai 3, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai với diện tích 3,2 ha.
Bộ Giao thông Vận tải đã có góp ý về đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030. Theo đó, Bộ Giao thông nêu quan điểm Hà Nội không nên đưa toàn bộ các bến xe liên tỉnh ra vành đai 4 mà cần có kết nối phù hợp tuyến cố định với khu vực tiện cận trung tâm... đã thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Đồng thời, các bến xe liên tỉnh hiện nay ở Mỹ Đình, Nước Ngầm... nên được quy hoạch ổn định và nâng cấp thành bến xe nhiều tầng.
Bộ Giao thông Vận tài cũng cho rằng, Hà Nội không nên xây dựng mới các bến xe liên tỉnh có tính chất sử dụng không lâu dài, chỉ khai thác trong thời gian quá độ để tránh lãng phí vốn đầu tư và ảnh hưởng đến quỹ đất của thành phố.
Về lâu dài đối với khu vực phía Nam, sau khi đầu tư hoàn thành Bến xe khách chính phía Nam (khu vực Ngọc Hồi - đường Vành đai 4) thì Bến xe khách Yên Sở và Bến xe khách Nước Ngầm sẽ được chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe. Đồng thời, các tuyến xe khách liên tỉnh đang khai thác tại 2 bến xe khách này sẽ được điều chuyển về Bến xe khách đầu mối tập trung phía Nam.
Ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, nếu chỉ xây một bến xe phía Nam (bến xe Ngọc Hồi) để thay thế 2 bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm thì sẽ quá tải. Do đó cần phải có bến xe Yên Sở trong trung hạn nhằm điều tiết nhu cầu và hỗ trợ cho các bến xe phía Nam. Ngoài ra, bến xe Yên Sở mới đủ điều kiện để chuyển đổi bến xe Giáp Bát thành điểm trung chuyển phục vụ riêng cho vận tải công cộng. Khi bến xe Yên Sở đi vào hoạt động, sẽ dần giảm tải bến xe Giáp Bát, tiến tới chuyển bến xe Giáp Bát ra khỏi khu vực nội đô theo đúng lộ trình.
Theo thiết kế được duyệt, bến xe Yên Sở sẽ có 4 tầng gồm 3 tầng nổi, 1 tầng hầm. Trong đó tầng hầm rộng khoảng 5.000m2 được dùng làm gara trông giữ xe cho hành khách. Trung tâm bến được thiết kế 1 tòa nhà hình tròn, gồm 3 tầng, diện tích 2.000m2. Trong đó, tầng 1 là nơi bán vé và showroom cho thuê, tầng 2 sẽ kinh doanh đồ ăn nhanh.
Đây sẽ là bến xe khách hiện đại nhất cả nước; khép kín từ khu vực đón khách, trả khách. Hầu hết các công đoạn tại bến xe sẽ tự động hóa, như kiểm soát xe ra vào bến bằng công nghệ, các bảng đèn led hiển thị thông tin về chuyến xe, giờ xuất bến, cửa đón khách, hay khu vực xe bus, khu vực taxi…
Về tính pháp lý của dự án, Hà Nội khẳng định dự án chỉ đang giải phóng mặt bằng, sau khi hoàn thành công tác này, UBND thành phố sẽ làm thủ tục cho thuê đất theo quy định của Luật đất đai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!