Ảnh minh họa.
Mặc dù đại diện báo chí không được tham dự sự kiện trên nhưng ngay sau khi diễn ra cuộc họp ở các miền, phóng viên Thời sự đã làm việc với đại diện một số trường đại học để tìm hiểu thông tin liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Các trường đại học cho biết, có nhiều vấn đề được thảo luận tại cuộc họp kín vì cách thức tổ chức kỳ thi hoàn toàn thay đổi so với trước đây như: Các cụm thi sẽ được tổ chức như thế nào? Sẽ có bao nhiêu cụm thi trong cả nước? Địa phương nào sẽ được tổ chức cụm thi riêng? Cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển vào đại học như thế nào?...
Trước mắt trong kỳ thi năm 2015, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường xét tuyển dựa trên điểm số các môn thuộc khối thi truyền thống của từng trường. Nếu xác định thêm khối mới, cần phải đảm bảo có môn Văn hoặc môn Toán.
Địa phương nào sẽ được tổ chức cụm thi riêng? Đây là câu hỏi không chỉ thí sinh mà cả các địa phương cũng đều quan tâm. Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đang khảo sát năng lực tổ chức, khoảng cách địa lý, đặc trưng vùng miền để xác định bản đồ cụm thi. Về căn bản, cụm thi địa phương sẽ được tổ chức ở những nơi thuộc vùng núi cao, hải đảo, khó khăn về khoảng cách địa lý và điều kiện ăn ở, đi lại.
Một vấn đề khác được nhiều trường đại học quan tâm là thời gian tổ chức thi. Đại diện Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho rằng, thời gian dự kiến vào tháng 6 chưa phù hợp.
Kinh phí tổ chức thi cũng là một điểm đáng lưu ý. Trước đây, năm nào các trường đại học cũng phàn nàn vì phải bù lỗ khi tổ chức tuyển sinh đại học. Năm nay, họ vừa phải tham gia tổ chức cho kỳ thi THPT quốc gia, lại vừa tổ chức tuyển sinh riêng vào trường mình. Kinh phí hỗ trợ họ sẽ được tính toán như thế nào? Liệu gánh nặng có trút thêm lên vai các trường đại học?
Các vấn đề được thảo luận tại cuộc họp được Bộ GD-ĐT tổng hợp lại để hoàn thiện quy chế của kỳ thi THPT quốc gia. Hiện nay, các trường ĐH, CĐ đang hoàn thiện đề án tuyển sinh riêng để gửi về Bộ xin ý kiến, hạn chót là 15/10 tới.
Mời quý độc giả theo dõi VIDEO chi tiết: