Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội giữ nguyên tên gọi Luật Lực lượng dự bị động viên

T.K-Thứ ba, ngày 11/06/2019 16:19 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Ảnh: Quochoi.vn

VTV.vn - Các đại biểu đang băn khoăn về tên gọi của Luật là "Luật Lực lượng dự bị động viên" hay "Luật Dự bị động viên" hoặc "Luật Xây dựng, sử dụng dự bị động viên".

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 11/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường và nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm 5 Chương, 47 Điều. Tại phiên thảo luận, các đại biểu quan tâm về tên gọi của Luật là "Luật Lực lượng dự bị động viên" hay "Luật Dự bị động viên" hoặc "Luật Xây dựng, sử dụng dự bị động viên" để bao hàm hết nội dung dự thảo Luật.

Đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) cho rằng, sau hơn 23 năm thực hiện Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, đại biểu của đoàn Quảng Nam trăn trở: "Những năm gần đây có nhiều chủ trương, đường lối, quan điểm, chiến lược quốc phòng Việt Nam đã được ban hành, nhằm xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại như quy định của Hiến pháp năm 2013 và liên quan một số luật chưa được cụ thể, thể chế hóa, một số nội dung của pháp lệnh chưa đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành ví dụ như Luật Quốc phòng, Luật Sỹ quan quân nhân chuyên nghiệp, Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng. Để có cơ sở đủ pháp lý tôi nhất trí cao 5 từ của Pháp lệnh dự bị động viên thành Luật Dự bị động viên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới". Theo đại biểu Hải, việc xây dựng Luật là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay.

"Về tên gọi của luật, tôi nhất trí như dự thảo luật đã nêu", đại biểu Hải cho biết thêm.



Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội giữ nguyên tên gọi Luật Lực lượng dự bị động viên - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) nêu ý kiến về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. Ảnh: Quochoi.vn

Cho rằng Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên đã thực hiện được hơn 20 năm, xã hội cũng như nền kinh tế đất nước ta đã có sự dịch chuyển sâu sắc từ kinh tế tập trung sang nền kinh tế nhiều thành phần và có tác động đến toàn bộ quan hệ xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Chương (TP.HCM) đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ đặc điểm này, đánh giá tác động để đưa ra các nội dung cho phù hợp với thực tiễn, phù hợp với sự vận động, phát triển của đất nước hiện nay.

"Tôi nhất trí việc cần thiết phải ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên vì Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên đã có từ cách đây hơn 20 năm, ta dùng pháp lệnh như thế là quá lâu. Tôi cũng nhất trí với quan điểm mục đích đã nêu trong tờ trình của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đây là vấn đề có tính nguyên tắc trong chỉ đạo, định hướng xây dựng luật, đại biểu Chương nêu ý kiến.

Theo các đại biểu, chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị quy định trong Pháp lệnh không phù hợp với thực tế mặt bằng thu nhập chung của xã hội; chưa bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng được hưởng trong cùng hoàn cảnh, cùng điều kiện và chưa đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Mặt khác, Pháp lệnh chưa quy định cụ thể chế độ, chính sách đối với người được huy động phục vụ nhiệm vụ xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên…

Do đó, việc nâng Pháp lệnh thành Luật Lực lượng dự bị động viên tạo hành lang pháp lý đầy đủ và cao hơn nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là điều cần thiết. Một số ý kiến cho rằng, cần thay đổi tên gọi vì tên trong dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến yếu tố con người chứ chưa đề cập đến vấn đề tài chính...

Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội giữ nguyên tên gọi Luật Lực lượng dự bị động viên - Ảnh 2.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. Quochoi.vn

Giải trình ý kiến của các đại biểu về việc thay đổi tên gọi của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết, theo điều 66 Hiến pháp quy định: Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp làm nòng cốt cho nhiệm vụ quốc phòng. Khoản 1, Điều 25 Luật Quốc phòng cũng quy định, quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt, lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Điều 2, Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên quy định, lực lượng dự bị động viên bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật đã xét trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng, sau 20 năm thực hiện Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên, các đơn vị, địa phương không có vướng mắc gì về tên gọi. Vì vậy, Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên tên gọi như dự thảo.

"Tên gọi Luật Lực lượng dự bị động viên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc sửa tên Luật Lực lượng dự bị động viên thành Luật Dự bị động viên hoặc Luật Quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật vì lực lượng dự bị động viên là con người, chưa bao gồm về phương tiện kỹ thuật. Bộ Quốc phòng báo cáo như sau, Điều 66 Hiến pháp quy định nhà nước xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp làm nòng cốt cho nhiệm vụ quốc phòng.

Điều 1, khoản 1 Điều 25 Luật Quốc phòng quy định quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Điều 2, Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên quy định lực lượng dự bị động viên bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội. Trong thực tiễn hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, các đơn vị địa phương không có vướng mắc gì về tên gọi, vì vậy Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên tên gọi như dự thảo", Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Giải thích về ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định vị trí, vai trò, quyền hạn, chức năng của lực lượng dự bị động viên vào Luật, Bộ Quốc phòng cho rằng, lực lượng dự bị động viên là một thành phần của Quân đội; vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của lực lượng này thống nhất với vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của Quân đội đã được quy định tại Điều 66, Hiến pháp năm 2013. Tại khoản 2, Điều 25 Luật Quốc phòng cũng quy định: Quân đội nhân dân có chức năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động quần chúng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, lao động sản xuất kết hợp với kinh tế xã hội; tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước, thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội giữ nguyên chức năng, quyền hạn của lực lượng dự bị động viên như trong dự thảo Luật.

Về chế độ chính sách trong dự thảo Luật, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, việc bảo đảm chế độ chính sách cho quân nhân dự bị và chủ phương tiện được huy động là nội dung quan trọng trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Quân nhân dự bị được biên chế về các đơn vị dự bị động viên được xây dựng huấn luyện, kiểm tra, sát hạch chiến đấu từ thời bình, bổ sung cho quân đội khi cần thiết.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, quy định bổ sung chế độ chính sách, nhất là điều chỉnh phụ cấp của quân nhân dự bị theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ bù đắp sức khỏe cho quân nhân dự bị, bảo đảm thu nhập cho lao động lực lượng dự bị động viên là cần thiết và phù hợp...

Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Sau đó, các Đoàn đại biểu Quốc hội họp để thảo luận về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Trong phiên làm việc chiều 11/6, Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thư viện.

"Ngoài những nội dung báo cáo, những ý kiến phát biểu tại hội trường như xây dựng cơ chế quản lý quân nhân dự bị và đăng ký quân nhân dự bị bằng công nghệ thông tin, xung quanh mức độ xử lý, xử phạt, huy động phương tiện kỹ thuật về tổ chức sinh hoạt, thẩm quyền huy động lực lượng dự bị động viên, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch dự bị động viên... Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các cơ quan xin được nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, bổ sung dự thảo luật theo quy định trước khi trình Quốc hội quyết định", Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch kết lại.

ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên

VTV.vn - Sáng nay (11/6), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự thảo luật Lực lượng dự bị động viên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước