Vì sao chênh lệch giữa hợp đồng và kiểm toán dự án BOT
Ngay đầu giờ sáng 4/6, đã có 36 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Mở đầu phiên chất vấn các đại biểu: Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng làm rõ bất cập về số năm, vị trí đặt trạm thu phí BOT; tiến độ thực hiện thu phí không dừng tại các trạm BOT…
Về chênh lệch chi phí đầu tư và số năm thu phí giữa hợp đồng và kết quả kiểm toán đối với các dự án BOT, Bộ trưởng cho biết việc chênh lệch là do hợp đồng được ký ban đầu dựa trên tính toán về kinh phí đầu tư và kinh phí dự phòng; trước khi quyết toán Bộ GTVT đề nghị kiểm toán vào kiểm tra lại, dựa trên kết quả đó để điều chỉnh lại hợp đồng để đảm bảo quyền lợi chung của người dân, nhà nước và doanh nghiệp.
Về tiến độ thu phí không dừng, toàn bộ các trạm BOT sẽ phải hoàn thành thu phí tự động vào cuối năm 2019. Đây là giải pháp công khai minh bạch, Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện để hoàn thành kế hoạch đề ra.
Xử lý nghiêm tiêu cực trong các dựa án BOT
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) hỏi về giải pháp căn cơ để hoàn thiện thể chế BOT, giám sát thực hiện dự án để tránh sai phạm, hài hòa lợi ích…
Trả lời về các vấn đề này, Bộ trưởng Thể cho biết, thời gian tới tiếp tục rà soát, sửa đổi để hoàn thiện các quy định liên quan đến BOT. Đồng thời, Bộ trưởng Thể khẳng định sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm của cán bộ, công chức trong ngành nếu phát hiện các sai phạm liên quan đến BOT.
Ngoài ra, về việc hoàn thiện thể chế của vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, sẽ tiếp thu và trả lời đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói riêng và Quốc hội nói chung trong thời gian tới.
Việc đấu thầu được tổ chức chặt chẽ
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Doanh nghiệp phản ánh tình trạng tình trạng ở một số địa phương chỉ có một, hai doanh nghiệp được chỉ định thầu hoặc đấu thầu có dàn xếp các dự án giao thông, doanh nghiệp bên ngoài không "chen chân vào được", dẫn đến tình trạng đội vốn đầu tư, một số nhà đầu tư không đủ năng lực, kéo dài dự án... Vậy có tình trạng này hay không, giải pháp khắc phục như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo quy định mọi dự án BOT đều được tổ chức đấu thầu và thông báo mời thầu công khai trên mạng. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, có thể nhiều nhà đầu tư chưa rõ thủ tục hoặc ít quan tâm... nên dẫn đến có những dự án BOT dù đã kéo dài thời gian thông báo mời thầu nhưng chỉ chỉ có 1 nhà thầu tham gia... nên không thể tổ chức đấu thầu (ít nhất có 2 nhà thầu đăng ký trở lên), buộc Bộ GTVT phải chỉ định thầu theo quy định.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định việc đấu thầu được tổ chức chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện trường hợp thông thầu, Bộ sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng mời Bộ Xây dựng thẩm tra các dự án của Bộ GTVT, từ vị trí đặt trạm, mức thu phí và quá trình triển khai dự án đều có sự giám sát chặt chẽ.
Tranh luận lại với Bộ trưởng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Bộ trưởng nêu rõ là "có hay không có? Và nếu có thì xử lý như thế nào? Bộ trưởng Thể khẳng định, nếu phát hiện có sai sót liên quan đến Bộ GTVT, sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm
Trả lời các ý kiến tranh luận của ĐBQH liên quan đến dự án BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, về thể chế, chúng tôi tiếp thu ý kiến đại biểu, việc ban hành Luật Đầu tư theo hình thức PPP thì sẽ giải quyết được những vấn đề hiện nay. Trước đây, chúng ta chưa có Luật, Nghị định cũng chưa hoàn chỉnh, chúng tôi cũng chỉ bám theo những quy định tại thời điểm đó.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!