Sáng 5/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ hai. Có 66 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 59 ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn, 18 ĐBQH tranh luận với Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề cử tri quan tâm. Bộ trưởng nắm rất chắc vấn đề, thẳng thắn nhận trách nhiệm và đưa ra các giải pháp xử lý những bất cập đại biểu nêu.
Xử lý nghiêm sai phạm đất đai
Phát biểu giải trình thêm trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết tình trạng quản lý đất đai hiện còn nhiều bất cập như: Tình trạng mua bán đất trái phép diễn ra phức tạp ở Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn; xác định giá đất chưa sát thực tế; tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất công lãng phí, không đúng quy định; mua bán đất trái phép; chuyển đổi sử dụng đất sai quy định; đầu cơ đất đai;...
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, triển khai hoàn thiện pháp luật về sử dụng đất đai, quy hoạch; chú bố trí quỹ đất cho giao thông, không gian công cộng; tiến hành công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất để người dân biết, giám sát; rà soát các dự án đã giao đất, cho thuê đất; kiên quyết thu hồi các dự án đã giao đất nhưng không thực hiện; kiểm tra tất cả các dự án giao đất ven biển; xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm đất; công khai, minh bạch, canh tranh giá đất các dự án; thực hiện đấu giá các khu đất vàng ở các địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến đất đai....
Đối với công tác ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện Nghị quyết đã ban hành, bên cạnh việc bố trí vốn ngân sách, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tham mưu xây dựng cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện tái cấu trúc các ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; xây dựng quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch toàn vùng làm cơ sở đầu tư phát triển...
Không thừa nhận, xử lý giao dịch "ngầm" về đất đai
Một nghịch lý diễn ra hiện nay là dự án đầu tư và phát triển dù đã đền bù giá cao hơn so với trước dự án thì vẫn phát sinh khiếu kiện; một tỷ lệ không nhỏ những tỷ phú, đại gia Việt Nam ra đời từ những dự án sử dụng đất để phát triển các công trình bất động sản; những vùng càng phát triển, giá đất càng tăng thì Chính phủ càng cần nhiều tiền để đền bù và người dân càng nảy sinh khiếu kiện.
Nếu thực tế này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đặt câu hỏi: Chính sách đất đai của chúng ta, đặc biệt ở những vùng kinh tế có liên quan gì đến tình trạng trên và chúng ta có nên sử dụng chính sách ưu đãi nhà đầu tư bằng việc giao đất với giá thấp và miễn tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư hay không?Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho rằng đây là một câu hỏi khó, liên quan đến vấn đề chính sách đất đai trong định giá đất đai. Hiện nay có 5 cơ quan định giá đất đai, nhưng vì tỷ giá đất đai rất biến động, chỉ cần chuyển từ trồng lúa sang quy hoạch đất phát triển bất động sản đã là hai vấn đề khác nhau.…
Bộ trưởng cũng mong đại biểu sẽ hỗ trợ cho Bộ TNMT trong vấn đề sửa đổi Luật Đất đai tới đây, trong đó có việc điều chỉnh chính sách đất đai, làm rõ cơ chế phân bổ nguồn lực đất đai trước và sau khi quy hoạch để tính toán thu trên đầu tư, chuyển đổi quy hoạch… và Nhà nước phải là người định đoạt vấn đề này.Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu quan điểm, phải chú ý đến người dân để họ cảm thấy được chia sẻ và có công sức đóng góp với mảng đất đó; đối với nhà đầu tư, họ cũng phải tính toán làm sao có lợi nhuận.
Bộ trưởng cũng khẳng định giải pháp đương nhiên, tốt nhất là đấu giá đất đai, nhưng trong nhiều điều kiện chưa đấu giá được, trong khi giá chưa dựa trên giá thị trường, để giải quyết theo cơ chế thị trường, thì trừ trường hợp vi phạm, "giao dịch ngầm" thì không thừa nhận và xử lý, còn đối với trường hợp đất sốt lên, tăng lên thì phải xử lý theo hướng một người được mua bao nhiêu đất, nếu mua nhiều hơn thì phải tăng giá lên hoặc là tính toán lộ trình sử dụng, nếu không sử dụng thì tăng thuế đất đai lên…
Điều này phải sửa trong luật đất đai, Bộ trưởng nhấn mạnh.Xử lý môi trường ở Formosa - đại biểu yên tâmTrả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Văn Thưởng về việc có bảo đảm hoạt động của Nhà máy Formosa hay không? Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, đại biểu yên tâm vì đến nay, Formosa đã đi vào vận hành và thay đổi hoàn toàn phương pháp quản lý.Trong đó, chúng ta yêu cầu đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung về công nghệ xử lý môi trường với công suất lớn hơn rất nhiều; công nghệ giám sát, kiểm soát môi trường trực tuyến.
Có 3 bước để đề phòng sự cố: Sự cố ngay tại nơi sản xuất, sự cố trong nhà máy và sự cố ngoài phạm vi nhà máy. Ngay hồ sinh học thì hoàn toàn có thể tái sử dụng nước.Với cách làm như vậy, từ khâu xem xét đánh giá công nghệ đến giám sát kiểm tra yêu cầu chặt chẽ thì không có ngành nghề nào xảy ra sự cố nếu chúng ta làm tốt, Bộ trưởng khẳng định.
Phân loại rác ngay tại nguồn
Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về giải pháp biến rác thành một dạng tài nguyên, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Xét theo thực tế hiện nay thì chất thải rắn không thể chôn lấp được nữa, chúng ta cần phải có những giải pháp thay thế. Tuy nhiên khó khăn là do công nghệ hiện nay còn nhiều vấn đề nên việc xử lý chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới chúng ta phải xử lý rác thải ngay tại nguồn, tức là từ chính người dân.Nếu chúng ta vận động được người dân phân loại rác ngay từ các hộ gia đình thì công tác thu gom, xử lý sẽ dễ dàng hơn, các công nghệ của những quốc gia tiến tiến khi vận hành ở Việt Nam sẽ phát huy hiệu quả cao hơn.Ngoài ra, chúng ta có thể phân loại xử lý rác theo vùng.
Chẳng hạn ở nông thôn, chúng ta có thể hướng dẫn người dân tận dụng nguồn rác thải hữu cơ để làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất. Đối với các loại khác, chúng ta có thể tái chế hoặc xử lý làm phân vô cơ. Đây là một ví dụ cho việc phân loại rác ngay từ nguồn.Ngoài ra, chúng ra cần phải tính toán thế nào để tư nhân có thể tham gia vào quá trình xử lý rác. Đây là một nguồn lực rất lớn nhưng chúng ta chưa thu hút được.
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất xen kẹt
Trả lời đại biểu Phạm Văn Hùng (Cao Bằng) về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng của những mảnh đất xen kẹt giữa các khu dân cư, Bộ trưởng cho biết, vấn đề này thường xảy ra ở các đô thị, các thành phố như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đồng ý cho UBND 2 thành phố thí điểm trong việc giải quyết đất xen kẽ.
Theo Bộ trưởng, đất xen kẽ ở đây không phải đất ở, không phải đất thổ cư mà trước đây trong quy hoạch là đất nông nghiệp xen kẽ với đô thị. Nhưng trên thực tế theo quy hoạch hiện nay nó chính là đất đô thị và đất thổ cư.
Hiện 2 thành phố đang thí điểm tính toán sử dụng nguồn lực này. Theo đó, có thể ghép các mảnh đất này vào nhau để tiến hành bán đấu giá, có thể thực hiện việc bố trí đất đó làm các công trình công cộng để phục vụ nhu cầu chung, hay bán cho hộ dân liền kề, các đối tượng có nhu cầu…
Quản lý quỹ đất đô thị chưa tốt
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) nêu vấn đề: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về quản lý sử dụng đất đai ở các đô thị hiện nay. Ví dụ, đô thị hiện nay rất thiếu chỗ đỗ xe, nhưng cứ đề xuất xây bãi đỗ xe thì trả lời là không có quỹ đất. Nhưng mới đây, Hà Nội tự rà soát thì phát hiện ra 499 bãi trông giữ xe trái phép. Hiện tại, hầu hết các trường học đều biến thành điểm trông giữ xe ngày và đêm. Bộ trưởng có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho rằng vai trò quản lý đất đô thị thuộc về UBND các tỉnh và thành phố. Liên quan đến từng cấp, kể cả cấp quận, cấp huyện, cấp phường, cấp xã. Trên thực tế, chúng ta có quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.…
Vấn đề đại biểu nêu liên quan đến khâu quản lý các quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất đã cấp cho các cơ quan sự nghiệp, các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị quản lý nhà nước, đất của nhiều dự án.
Bộ trưởng thừa nhận hiện Hà Nội chỉ có 7% trong quỹ đất cho giao thông tĩnh và giao thông động. Rõ ràng nhu cầu về bãi đỗ xe của các đô thị là rất lớn, thời gian qua tuy đã bố trí quỹ đất làm các khu trông giữ xe nhưng do quản lý kém nên đã sử dụng không đúng mục đích.
Theo Bộ trưởng, trong ví dụ của đại biểu nêu có cả vấn đề về triển khai cụ thể hóa quy hoạch, có cả vấn đề hiện nay không sử dụng tốt quỹ đất chưa sử dụng, nhiều doanh nghiệp, dự án đang cho thuê làm bãi giữ xe, nếu cần thì chúng ta phải thu hồi để đáp ứng các yêu cầu đó. Đấy là công tác quản lý chưa đến nơi đến chốn.
Bộ trưởng cũng không đồng tình với việc các trường học, trường đại học... trở thành nơi giữ xe ngày đêm, điều này không đảm bảo an toàn môi trường và không đúng quy hoạch.
Thị trường đất đai tại đặc khu diễn biến phức tạp - vấn đề liên quan đến tầm nhìn
Trả lời chất vấn của đại biểu về tình hình thị trường đất đai tại một số địa phương dự kiến xây dựng đặc khu đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, vấn đề này liên quan đến tầm nhìn. Bởi, theo quy luật, khi nhìn thấy tiềm năng là người dân sẽ đổ xô vào đất đai, nhưng chúng ta chưa có giải pháp để ngăn chặn trước tình trạng này.
Theo Bộ trưởng, vừa qua cũng đã có một số giải pháp mang tính chỉ thị hành chính để ngăn chặn, nhưng thực tế người dân đã có nhiều giao dịch "ngầm". Từ 10 năm trước, đất đai ở khu vực quy hoạch làm sân bay Long Thành cũng xảy ra tình trạng tương tự, dù chính quyền có dừng chứng nhận các giao dịch thì việc mua bán "ngầm" vẫn diễn ra. Vấn đề "sốt đất" là đương nhiên, nhưng nghiêm trọng hơn là việc chuyển đối mục đích sử dụng đất, từ đất rừng, đất đặc dụng thành đất xây dựng, hệ quả khó lường. Nếu các giao dịch trái pháp luật thì khi đền bù, thu hồi đất cần phải áp dụng sao cho công bằng.
Cũng theo Bộ trưởng, việc ra chỉ thị tạm dừng giao dịch như cách một số địa phương vừa làm không phù hợp với pháp luật hiện nay. QH cần ban hành Nghị quyết đặc thù để quản lý đất đai tại các đặc khu sẽ hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ rõ, các địa phương cần xem xét lại hồ sơ quản lý hiện trạng đất đai để có chính sách công bằng, kiên quyết xử lý để những người đầu cơ không được hưởng lợi từ những giao dịch đất đai vào thời điểm như vừa qua.
Đến 2030 phải có các nhà máy phát điện sử dụng công nghệ xử lý rác
Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến việc chưa kiểm soát, giảm thiểu được tình hình ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, "rác thải là vấn đề hết sức bức xúc hiện nay", đồng thời nhận trách nhiệm trên cương vị Bộ trưởng Bộ TN - MT.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, vấn đề này có liên quan đến nhiều bộ, ngành. Cụ thể, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về vấn đề quy hoạch; Bộ Khoa học và Công nghệ giải quyết về vấn đề công nghệ. Do đó, các Bộ thống nhất đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quản lý tổng hợp về xử lý chất thải trên quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu chú trọng đến công nghệ xử lý rác có tính toán phù hợp của các điều kiện kinh tế của các đô thị.
Ô nhiễm không khí rất lớn, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng…Theo tính toán của Bộ TN - MT, đến năm 2030, Việt Nam phải có các nhà máy phát điện bằng cách sử dụng các công nghệ xử lý rác. Các công nghệ này hiện nay đang được kiểm chứng và đánh giá cho đầy đủ, tuy nhiên việc lựa chọn các mô hình của thế giới sẽ phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, sau khi được thẩm định qua Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ được công bố để các địa phương trong cả nước biết và thực hiện.
Các ĐBQH Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng về giải pháp xử lý tình trạng xả thải thải trực tiếp ra môi trường từ các khu công nghiệp; nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bên ngoài biên giới; thực trạng, giải pháp xử lý ô nhiễm bụi, không khí ở các thành phố lớn; quản lý thị trường đất đai tại ba địa phương đang xây dựng đặc khu, vì đây là vấn đề đang gây bức xúc cho dư luận xã hội...
Cho rằng các khu, cụm công nghiệp chủ yếu do cấp huyện quản lý, do thiếu vốn nên về cơ bản không có hạ tầng, hoặc hạ tầng không kết nối, trong cụm công nghiệp lại bố trí dân cư ở..., Bộ trưởng nêu rõ, hiện trạng này đã dẫn tới tình trạng hình thành các khu dân cư ô nhiễm, chuyển ô nhiễm từ làng nghề ra các cụm công nghiệp... Tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định về vấn đề này, trong đó có quy định trách nhiệm cụ thể của cấp tỉnh, cấp huyện... trong bảo đảm môi trường.
Liên quan đến ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận "tình trạng này là rất lớn" (dù chưa đến mức nghiêm trọng như một tổ chức đã công bố)… Bộ đã tham mưu Thủ tướng ban hành kế hoạch giám sát môi trường không khí, công bố công khai để nhân dân biết, giám sát, có giải pháp để giảm nguồn thải từ giao thông; khắc phục tình trạng đốt rơm rạ khi thu hoạch...
Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Anh Trí tranh luận và khẳng định, với những thông tin đại biểu có và chuyên môn của một bác sỹ, thì bụi đang gây ô nhiễm rất nghiêm trọng, nhất là ở các thành phố lớn.
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 66 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Chủ tịch QH đề nghị các đại biểu hỏi nhanh, Bộ trưởng đáp gọn, mỗi đại biểu chỉ tranh luận không quá 2 lần để nhiều ĐBQH được đặt câu hỏi chất vấn.
Kiểm soát bảo đảm đạt chuẩn mới được xả thải
Các ĐBQH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên), Lê Công Đỉnh (Long An), Lê Công Nhường (Bình Định)… chất vấn Bộ trưởng về giải pháp trước mắt và lâu dài xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước; triển khai các giải pháp huy động các nguồn lực để ứng phó biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)...
ĐBQH Lê Công Đỉnh (Long An)Ảnh: Quang Khánh
Trả lời các chất vấn này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận ô nhiễm môi trường nói chung cũng như ô nhiễm môi trường lưu vực sông nổi lên vừa qua là xu hướng chưa đảo ngược. Hiện tượng này có ba nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất có thể khắc phục được là các nguồn thải từ các nhà máy, khu công nghiệp. Trong thời gian qua, về cơ bản, Bộ TN - MT, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm soát những nguồn thải này, và có biện pháp cụ thể yêu cầu xử lý, giám sát chặt, tức là "yêu cầu phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn mới xả thải".
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, do sự phát triển cơ sở hạ tầng chưa chú ý đến công tác thu gom nước thải, nước thải vẫn lẫn với nước mưa, nên khoảng 95% lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, thải trực tiếp ra môi trường. Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống, mà trên thực tế nhiều làng nghề là công nghiệp cũ, lạc hậu biến tướng đã tham gia vào khu vực này. Với điều kiện, năng lực hạn chế nên chưa kiểm soát được hết các làng nghề, trong khi đó nguồn lực đầu tư Nhà nước có hạn.
Về trách nhiệm trên lưu vực sông, Bộ trưởng cho biết, hiện đã có cơ chế và Ủy ban bảo vệ lưu vực sông. Trong thời gian qua, đã có tiến bộ bước đầu, xác định địa phương nào có nước thải, có kinh phí nhiều phải tự xử lý tại nguồn. Với cơ chế này, Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới, có thể xác định nguồn thải từng địa phương và cơ chế xác định trách nhiệm địa phương. Hà Nội hiện đang có cơ chế huy động xã hội hóa, đầu tư tư nhân áp dụng công nghệ, và dự kiến đến năm 2020 thì tư nhân hóa tham gia vào xử lý nước thải này, với sự hỗ trợ của UBND thành phố.
"Ở đây, trước hết, từng địa phương phải xác định trách nhiệm của mình", Bộ trưởng nói, "thứ hai, có sự đầu tư, huy động nguồn lực từ xã hội để thu gom nguồn nước thải, có công nghệ thích hợp để xử lý, và thứ ba là từng bước để người dân tham gia vào việc này, hiện chi phí đóng góp chỉ chiếm 7% tổng chi phí, chưa bảo đảm".
Bộ trưởng cũng khẳng định, "với cơ chế hiện nay, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và cơ chế thực hiện xã hội hóa thì có thể giải quyết vấn đề này trong tương lai gần. Bộ đang trao đổi với Hà Nội và thực hiện đánh giá nước thải từng địa phương, cung cấp công nghệ cần thiết".
Là "tư lệnh" ngành thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà sẽ trả lời về các vấn đề như: Công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.
Với kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, trên cơ sở phân tích rõ tình hình, thực trạng cũng như các hoạt động đã triển khai, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế..., trong phần giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sẽ đẩy mạnh phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới, đồng thời giảm các nguồn thải đang gây ô nhiễm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, có chính sách ưu đãi các nhà máy, khu công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến xử lý chất thải, tuần hoàn chất thải, giảm phát thải.
Tiếp tục tổng hợp, rà soát thông tin về xả thải của các cơ sở nhằm phân loại dự án, nguồn thải theo mức độ tác động, thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả, tiến tới kiểm toán chất thải. Hoàn thiện hệ thống quan trắc, quan trắc tự động tại cơ sở và môi trường xung quanh; đối với các dự án có nguy gây ô nhiễm môi trường cao, tăng cường các giải pháp phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường như hồ sự cố, hồ kiểm chứng…
Triển khai đề án kiểm soát đặc biệt với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao với mục tiêu kiểm soát, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường lớn; tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Duy trì và phát triển đường dây nóng tiếp nhận thông tin về ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!