Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu. (Ảnh: TTXVN)
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân hôm nay (7/11), đã có 40 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 16 đại biểu Quốc hội tranh luận. Bên cạnh việc ghi nhận sự nỗ lực và những kết quả tích cực của ngành nội vụ, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị Bộ trưởng tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục những hạn chế còn tồn tại để tạo ra những chuyển biến trong lĩnh vực này trong thời gian sắp tới. Cùng với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tham gia giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực nội vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, xây dựng. Các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, sâu sắc, có tính thực tiễn cao và tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Trong lần thứ hai trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời mạch lạc, rõ ràng, cầu thị, thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nội dung chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ hôm nay là những vấn đề luôn mang tính thời sự, thực tiễn đang có nhiều vướng mắc, được các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm bởi liên quan trực tiếp đến công tác cán bộ; công chức, viên chức; hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, liên quan đến công tác quản lý, điều hành của từng ngành, từng địa phương và công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với công tác cán bộ. Trên cơ sở các Nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, dưới sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã nỗ lực triển khai và hoàn thành một khối lượng lớn công việc liên quan đến tổ chức, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và làm tốt nhiệm vụ quản lý ngành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba (Ảnh: TTXVN)
Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực nội vụ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn, tập trung vào một số vấn đề sau:
- Tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về đổi mới, sắp xếp tổ chức của hệ thống các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập, đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã bảo đảm chặt chẽ theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sớm tổng kết mô hình thí điểm việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ liên thông hoặc tương đồng do địa phương đăng ký hoặc theo nghị quyết của Quốc hội và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Đẩy mạnh công tác chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm túc và quyết liệt hơn nữa đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để đạt được mục tiêu đề ra; xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, ngành, địa phương và Đề án tinh giản biên chế của Bộ, ngành, địa phương theo lộ trình đến năm 2021; rà soát lại việc tinh giản biên chế đối với lĩnh vực giáo dục và y tế, sửa đổi, bổ sung định mức học sinh, giáo viên/lớp; định mức nhân viên y tế/giường bệnh cho phù hợp theo từng vùng, giữa nông thôn với đô thị, giữa miền núi với đồng bằng bảo đảm mục tiêu "người học phải có giáo viên, người bệnh phải có bác sỹ". Năm 2019 cố gắng xử lý dứt điểm bất cập về hợp đồng đối với giáo viên và nhân viên y tế; năm 2020 ban hành Nghị quyết về tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục và y tế.
- Tích cực đôn đốc, hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong năm 2019 bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục; gắn sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Có phương án, lộ trình bố trí sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm quyền lợi cho các cán bộ, công chức dôi dư và những người hoạt động không chuyên trách, khuyến khích tăng cường thực hiện chế độ kiêm nhiệm.
- Tiếp tục rà soát, thường xuyên theo dõi, đánh giá công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức; xây dựng quy định mới về tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển đối với công chức lãnh đạo, quản lý, quy định về chế độ, chính sách, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ là người dân tộc để triển khai thực hiện các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngay sau khi Luật có hiệu lực; nghiên cứu việc tổ chức thi, xét nâng ngạch bảo đảm phù hợp với đề án tiền lương, đáp ứng yêu cầu thực tế; rà soát lại các điều kiện về tin học, ngoại ngữ trong thi nâng ngạch, bổ nhiệm; tổng kết, hoàn thiện các quy định và triển khai xây dựng vị trí việc làm khoa học, làm cơ sở cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, tinh giản biên chế; rà soát, ban hành quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, bồi dưỡng lý luận chính trị đối với từng chức danh, chức vụ bảo đảm thiết thực, tránh trùng lặp về nội dung, lãng phí về nguồn lực; năm 2019, sơ kết Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng để có chủ trương chung về chính sách này; tham mưu cho cấp có thẩm quyền sớm ban hành quy định để xử lý vấn đề "hàm" trong bộ máy nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương trong công tác cán bộ.
- Làm tốt công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, sửa đổi các quy định về đánh giá, phân loại cán bộ cụ thể, khoa học trên cơ sở kết quả việc làm, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đánh giá, bảo đảm kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thực chất, sát với thực tế; tăng cường công tác thanh tra thực hiện quy định của pháp luật trong công tác cán bộ, thực hiện nghiêm công tác kỷ luật cán bộ; có cơ chế để loại bỏ các cán bộ, công chức không đủ điều kiện về đạo đức, năng lực, trình độ, tham nhũng, lãng phí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!