Cuối giờ sáng và cả chiều 7/11, theo chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn ĐBQH Hưng Yên) nhận định, hiện việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa được rõ ràng, minh bạch, còn tồn tại nhiều bất cập. Ngoài ra, yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức bởi nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký lớp học ngoại ngữ, tin học với thời gian học rất ngắn, dẫn đến chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không thực chất. Đồng thời, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi thi học chứng chỉ thì không sử dụng đến.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn ĐBQH Hưng Yên) chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân.
Từ những vấn đề trên, đại biểu Phúc băn khoăn liệu mục đích có chứng chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch có gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời đề nghị Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết giải pháp khắc phục tính hình thức này, liệu có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tiến hành thi xét nâng ngạch công chức, viên chức hay không?
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Đoàn ĐBQH Bình Thuận) băn khoăn, có tình trạng đối với một số vị trí việc làm không cần sử dụng văn bằng, chứng chỉ nhưng vẫn còn yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ, việc quy định chung này dẫn đến hiện nay mỗi địa phương, mỗi nơi lại có cách làm khác nhau, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, đại biểu Nguyên đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp cơ bản để khắc phục tình trạng này.
Về việc thi xét tuyển, xem xét nâng ngạch công chức, viên chức hiện nay, qua dư luận báo chí, phản ánh của đồng bào cử tri cả nước, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận đúng là "rất phiền hà trong vấn đề văn bằng, chứng chỉ".
Không chỉ riêng về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng quy trình bổ nhiệm hiện nay cũng yêu cầu 7 bằng cấp, tiêu chuẩn, điều kiện là quá nhiều. và nhấn mạnh, vấn đề này, không phải Bộ Nội vụ tự đặt ra.
Bộ trưởng lý giải, đây là vấn đề tồn tại từ nhiều năm, từ những năm 90 của thế kỷ trước và như thế cần phải sửa. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thay mặt Bộ Nội vụ thẳng thắn nhận khuyết điểm này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN
"Chúng tôi cam kết trước Quốc hội rằng, năm 2020, sau Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay và sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào nữa", Bộ trưởng Tân quả quyết.
Cán bộ cấp Vụ trở lên phải đạt trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn trong môi trường quốc tế
Liên quan đến vấn đề kiểm soát chất lượng các chứng chỉ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng có nhiều cách tháo gỡ như tổ chức thi tin học, ngoại ngữ trên máy tính, sát hạch bằng tiếng Anh; đồng thời khẳng định sẽ đưa vào triển khai các phương pháp này để loại bớt thủ tục hành chính hiện đang quá nhiều.
Riêng vấn đề tin học, ngoại ngữ, vị tư lệnh ngành làm rõ: "Trong Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm. Chúng ta quy định về tuyển dụng công chức bằng cấp bằng ngoại ngữ là như nhau, chỉ là từng vị trí phải có chứng chỉ, văn bằng, bằng cấp khác nhau".
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân kiến nghị từ cấp Vụ trở lên phải đạt trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong môi trường quốc tế. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, sắp tới các quy định này sẽ được rà soát, sửa đổi theo hướng phù hợp hơn, đặc biệt nhằm thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, phải có một số tỷ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cần quy định tiêu chuẩn cho từng chức danh cụ thể: "Chúng tôi kiến nghị từ cấp Vụ trở lên phải đạt trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong môi trường quốc tế".
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân lấy ví dụ: "Anh đi hội thảo quốc tế nhiều, anh tổ chức các hội nghị, anh nghe nói tiếng Anh mà bắt dẫn theo phiên dịch?".
Điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về vấn đề ngoại ngữ mà đại biểu Nguyễn Thị Phúc nêu: "Bây giờ có thể Bộ trưởng cũng nghiên cứu thêm đối với những vùng, những địa phương đông đồng bào dân tộc thiểu số, người cán bộ, công chức, viên chức ở đó rất thông thạo "nội ngữ", tức là tiếng dân tộc thì chúng ta có nhất định quy định có thêm ngoại ngữ hay không? Việc này cũng rất nhiều người phản ánh, chúng ta cần phải nghiên cứu trong các tiêu chuẩn, tức là biết "nội ngữ", tiếng Việt và tiếng dân tộc. Ví dụ biết nhiều tiếng dân tộc nhưng chúng ta không tính là đủ tiêu chuẩn cán bộ, việc đó cũng cần suy nghĩ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!