Phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đang được chờ đợi sẽ làm rõ những vấn đề được cả các đại biểu và cử tri cả nước quan tâm,
Trả lời phỏng vấn bên lề Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, các đại biểu Quốc hội quan tâm đến lĩnh vực việc thực hiện chính sách pháp luật trong xử lý môi trường trong các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; trách nhiệm của các bộ ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các dự án để xảy ra sự cố môi trường; quản lý xử lý về ô nhiễm môi trường và giải pháp thích ứng với ứng phó biến đổi khí hậu; quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản
Sự cố môi trường: Trách nhiệm thuộc về ai?
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, người dân cả nước đã thể hiện quan ngại sâu sắc trước mức độ ô nhiễm môi trường hiện nay. Từ chất lượng không khí, nguồn nước đến những sự cố ngày càng nhiều, ngày càng nghiêm trọng và ngày càng rộng khắp. Đơn cử như cá chết trên sông Bưởi (Thanh Hóa), sông Chà Và (Bà Rịa - Vũng Tàu), sông Đồng Nai và gần đây nhất là vụ cá chết tại Hồ Tây… Đặc biệt nghiêm trọng là sự cố môi trường ven biển miền Trung hồi tháng Tư vừa qua.
Sau các sự cố, các bộ, ban, nghành đã tích cực vào cuộc để tìm nguyên nhân và đưa ra các biện pháp hiệu quả để khắc phục sự cố, hỗ trợ hoặc bồi thường thiệt hại cho người dân các địa phương. Mặc dù vậy, cử tri cả nước vẫn mong muốn Quốc hội xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ban, nghành và cá nhân lãnh đạo.
Tại diễn đàn "Bảo vệ môi trường, những vấn đề cấp bách" do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào chiều 9/11 vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sau hàng loạt sự cố về môi trường, từ biển đến sông, đến hồ, từ thành thị đến nông thôn, có thể nói ô nhiễm đã đến ngưỡng "có thể chịu đựng để ưu tiên cho phát triển kinh tế, và đã đến lúc ngưỡng đó không thể chịu hơn nữa".
Theo đó, các tác động đến từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, mức tăng về dân số, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ tại các thành phố lớn… đã và đang tạo sức năng vô cùng lớn môi trường tại Việt Nam. Cùng với đó, nhiều khu - cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường tại Việt Nam.
Sự phát triển quá nhanh của các phương tiện cá nhân đang tạo sức ép không nhỏ cho môi trường tại các đô thị lớn
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có 878 khu đô thị, 283 khu công nghiệp, 615 cụm công nghiệp, hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trên 3.500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; hơn 500 làng nghề; hơn 13.500 cơ sở y tế, hơn 2 triệu ô tô, 40 triệu xe máy...
Cùng với đó, hàng năm nước ta phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tất chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại, hơn 17.000 tấn chất thải y tế nguy hại. Bên cạnh đó, tại nước ta mỗi năm sử dụng 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, trong đó 80% sử dụng sai mục đích hoặc không đúng kỹ thuật, 50-70% không được cây trồng hấp thụ...
Những con số này cho thấy, nước ta đang đứng trước thách thức lớn về vấn đề về ô nhiễm không khí, môi trường nước, môi trường đất, khói bụi, âm thanh…
Thực tế này đặt ra vấn đề về quản lý xử lý về ô nhiễm môi trường và giải pháp thích ứng với ứng phó biến đổi khí hậu. Đây cũng là một trong nhiều mảng vấn đề mà các đại biểu và cư tri rất quan tâm trước thềm phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Dự kiến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ sẽ có phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội. Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiến hành trong 2,5 ngày (từ 15/11 đến 17/11).
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn này trên kênh VTV1. Quý vị cũng có thể theo dõi các phiên chất vấn trực tuyến qua Báo điện tử VTV News.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!